Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 7 năm 2017 | 9:34

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác Thương binh - Liệt sỹ

Ngày 14/7, tại Bảo tàng Hồ Chi Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã phối hợp với Cục Người có công, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, tổ chức Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác Thương binh - Liệt sỹ lý luận và thực tiễn”.

Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung, cho rằng, nội dung ý nghĩa bức thư Bác Hồ gửi Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc hơn 70 năm về trước, với những lời nhắn nhủ như: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”, đến Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sỹ”... đến nay vẫn còn nguyên giá trị.  

Nội dung bức thư có những ý ngắn gọn mà lay động lòng người như: “Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh... Họ là những người đã hy sinh gia đình, xương máu, để bảo vệ Tổ quốc, đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”... Để đề ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực như: nhịn ăn 1ngày, quyên góp tiền bạc, vật dụng tặng thương binh. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn; đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp để dần dần họ có thể tự lực cánh sinh... Đối với các liệt sỹ, các địa phương cần xây dựng vườn hoa, bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của họ, để đời đời giáo dục cho nhân dân. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động, túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Trao đổi tại cuộc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Người có công, ông Nguyễn Duy Kiên, cũng cho rằng, thời kỳ chống Pháp việc ưu đãi người có công còn mang tính liệt kê. Bước sang thời kỳ xã hội chủ nghĩa Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định công tác thương binh liệt sỹ là một trong những vấn đề lớn của đất nước. 10 năm sau ngày giải phóng (1985), Chính phủ đã quy định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi, và thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước. Sau xóa bao cấp, vấn đề người có công đã trở thành nguyên tắc và được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1992,  và được thể chế trong pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng. Từ đó, đến nay hầu hết người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ đầy đủ, kịp thời.  

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 9 triệu đối tượng người có công (trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị chất độc hóa học. Từ năm 2011-2016 đã xác nhận và cấp mới Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2.730 liệt sỹ. Cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công cho 112.000 liệt sỹ. Thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với trên 65.000 người hoạt động cách mạng, hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày....  

Nói về kinh nghiệm truyền thông trong công tác thương binh - liệt sỹ, nhiều nhà báo cũng cho rằng, điều cần thiết là phải phát hiện, phản ánh trung thực, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước một cách chân thành cảm động nhất. Như vậy sẽ có tác dụng trong việc cổ vũ, góp phần nhân rộng điển hình, nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Song song với những công việc trên, phải kiên quyết phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, chống tham nhũng, tiêu cực...

Hướng về cội nguồn phải là việc làm thường xuyên, thiết thực trong mỗi tấm lòng người dân yêu nước Việt Nam, để tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước, dân tộc.                      

Dương An Như

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top