Chiều 9/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi gặp mặt Đoàn các giáo sư đoạt giải Nobel và các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội”.
Đây là một trong các chuỗi sự kiện khoa học của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” năm 2016, được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Morion” do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập.
Tại buổi gặp mặt, Giáo sư Trần Thanh Vân và các giáo sư đoạt giải Nobel kiến nghị với Chủ tich nước Trần Đại Quang và Chính phủ quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án đưa khoa học đến với công chúng và với trẻ em như: Dự án Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định.
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, những dự án này sẽ giúp trẻ em có sân chơi khoa học từ nhỏ, kích thích sự say mê tìm tòi, khám phá khoa học của trẻ em để đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam có kiến thức, có năng lực và năng động để đủ sức hội nhập với thế giới.
Giáo sư đồng thời mong muốn Chủ tịch nước cùng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương giúp đỡ, hỗ trợ cho Hội Gặp gỡ Việt Nam và tỉnh Bình Định xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), để thành phố Quy Nhơn trở thành một điểm đến và điểm gặp gỡ khoa học thường niên đặc biệt của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế để tạo cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và các nước trong khu vực có điều kiện tiếp cận với các hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao.
Phát biểu với các nhà khoa học tại buổi gặp mặt, thay mặt Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế đã dành cho Việt Nam nói chung, khoa học Việt Nam nói riêng.
Chủ tịch nước vui mừng được biết, Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” với sự tham gia của trên 200 nhà khoa học, trong đó có 6 nhà khoa học được giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, hòa bình, kinh tế đã được tổ chức rất thành công tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chủ tịch nước nêu rõ, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành cho khoa học-công nghệ sự quan tâm đặc biệt, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Vui mừng thông báo với các nhà khoa học quốc tế về thành tựu sau 30 năm đổi mới của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu của Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp tích cực của khoa học - công nghệ, trong đó có khoa học cơ bản.
Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, khoa học - công nghệ Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được vị trí trong tốp đầu của các nước ASEAN.
Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam đã trở thành 2 trong 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bào trợ.
Đặc biệt, từ năm 1974 đến nay, các đoàn học sinh thi toán quốc tế Olympic của Việt Nam luôn đạt giải cao và năm trong số 10 nước đứng đầu thế giới.
Chủ tịch nước cho rằng, có được những kết quả trên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu mới mà Việt Nam còn thiếu nhân lực, kinh nghiệm.
Đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp đầy tâm huyết từ nhiều năm nay của Giáo sư Trần Thanh Vân và Phu nhân trong việc tổ chức các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” tại thành phố Quy Nhơn để thiết lập mạng lưới kết nối các nhà khoa học quốc tế với cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Tôi đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai ưò, tầm quan trọng của khoa học - công nghệ nói chung, khoa học cơ bản nói riêng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học - công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp và từng địa phương”.
“Tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước mong muốn và đề nghị các giáo sư, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực khoa học, kết nối với cộng đồng khoa học trên thế giới. Đồng thời giới thiệu các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, cũng như với nền khoa học Việt Nam nhiều hơn nữa./.