Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 11 năm 2021 | 14:31

Chủ tịch nước: “Những gì bắt đầu ở đây sẽ thay đổi nền Nông nghiệp Việt Nam”

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo và sinh viên, học viên của Học viện Nông nghiệp nói riêng, cả nước nói chung.

Sáng 20/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học mới 2021-2022 của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp; các tổ chức quốc tế, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nhắc nhở thầy và trò Học viện thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”, có những đóng góp thiết thực để làm thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, trong đó có việc giải quyết rất nhiều thách thức trước biến đổi khí hậu và hội nhập hiện nay. 

ctn.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học mới 2021-2022 của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

 

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên, học viên của Học viện nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung. 

Chủ tịch nước biểu dương Học viện đã tiên phong, không ngừng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Cùng với đó là tích cực đề xuất thí điểm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. 

Chủ tịch nước khẳng định, trong những kết quả rất ấn tượng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có đóng góp tích cực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, song cũng nêu những thách thức lớn đối với nền nông nghiệp nước nhà đòi hỏi Học viện cần tham gia giải quyết.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đơn cử như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải sản xuất dựa trên chất lượng thay vì số lượng, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu nông nghiệp sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho công nghiệp và dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu sắc cả phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi chúng ta phải bắt kịp xu thế đó để xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Những thách thức về biến đổi khí hậu, mất cân bằng môi trường sinh thái đang ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa của cả nước,...

Đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, việc duy trì Học viện vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống và thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo tính liên tục thống nhất của hệ sinh thái dạy và học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế thông qua các hình thức trực tuyến là nhiệm vụ khó khăn. Những vấn đề đó đặt ra câu hỏi lớn là chúng ta phải định vị nền nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới đây như thế nào? Làm sao để chuyển đổi bắt kịp với thời đại, yêu cầu chuyển đổi số và biến thách thức thành cơ hội. Học Viện nông nghiệp Việt Nam phải góp phần quan trọng để trả lời câu hỏi này."

Chủ tịch nước cũng đề nghị Học viện tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để học viên ra trường đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Ngoài đào tạo chuyên môn cần coi trọng đào tạo, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học viên. Phải gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch nước cho biết: "Phải tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học.

Coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo, kể cả đào tạo trực tuyến, mô hình phòng thí nghiệm trực tuyến, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải từng bước “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng như đối mặt với các nguy cơ rủi ro khác có thể xảy ra. Gắn đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sản xuất-kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giáo dục & Đào tạo, các bộ ngành Trung ương chú trọng chỉ đạo và đầu tư để Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo."

Nhắc đến câu ngạn ngữ Ba Tư: “Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tài sản quý giá nhất của Học viện chính là cán bộ, giảng viên tâm huyết, trí tuệ. Do đó, Học viên quan tâm đầu tư, bồi dưỡng và chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phát huy truyền thống từ các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học đáng kính của Học viện trước đây để đào tạo ra những người tài năng cho đất nước.

Mong muốn Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện cần tiếp tục tích cực, sáng tạo để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 là các nghiên cứu của Học viện phải hướng tới “tam nông”, nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.  

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Học viện tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ “đặt hàng” mà Chủ tịch nước đã nêu ra trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện, ngày 12/10/2016. Trong đó, lưu ý việc Học viện cần tiếp tục tích cực tham vấn cho các cơ quan Nhà nước thực hiện mục tiêu xanh hóa nông nghiệp, chẳng hạn như chiến lược trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 để chủ động về bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 vừa qua; giảm nhanh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng cụm liên kết ngành nông nghiệp, qua đó có thể đạt được những kết quả quan trọng nhờ tăng cường các mối liên kết giữa nông dân với các tác nhân thương mại và cơ sở hạ tầng có liên quan… 

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 12 thầy, cô giáo có nhiều thành tích xuất sắc cũng như các nghiên cứu khoa học đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam./. 

Vũ Dũng/VOV
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top