Chiều 28/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru, ông Baron Divavesi Waqa, nhân dịp sang Việt Nam dự Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru. Ảnh: TTXVN |
Nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Baron Divavesi Waqa đến Việt Nam tham dự Kỳ họp của Đại hội đồng GEF 6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng sự kiện này và đánh giá cao sự tham dự của Tổng thống và Đoàn đại biểu Nauru. Chủ tịch nước chúc mừng Cộng hòa Nauru tiếp quản chức Chủ tịch GEF và Chủ tịch của Nhóm các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Nauru và các nước ở Nam Thái Bình Dương, chúc đất nước Nauru dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Baron Divavesi Waqa tiếp tục phát triển hòa bình, thịnh vượng, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Nauru.
Trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Nauru trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng như: Thủy sản, nghề cá, nông nghiệp, du lịch, khai khoáng....
Chủ tịch nước hoan nghênh các đoàn Nauru sang trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như: Trồng lúa, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, viễn thông. Cùng với đó, lãnh đạo cấp cao hai nước cần tranh thủ các diễn đàn đa phương để tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cần xem xét, ký kết thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực cơ bản như: Kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, du lịch, nông nghiệp... nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Nauru sớm cử Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam, khẳng định Việt Nam cũng sẽ xem xét cử Đại sứ Việt Nam kiêm nhiệm Nauru; cảm ơn Nauru đã ủng hộ, thúc đẩy Nhóm châu Á-Thái Bình Dương thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên của nhóm cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần xem xét, thiết lập một số cơ chế hợp tác khung, trước mắt có thể ở cấp làm việc, tạo diễn đàn phù hợp để trao đổi thông tin, thảo luận các phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác song phương; đồng thời chia sẻ, thống nhất lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, cứu trợ thiên tai...
Bày tỏ vui mừng đến Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6, Tổng thống Baron Divavesi Waqa đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tại Kỳ họp, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, cho biết đây cũng là mục tiêu mà Naura đang hướng tới.
Nhấn mạnh Nauru là một quốc gia biển, Tổng thống Baron Divavesi Waqa nêu ra một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam thời gian tới như: Thủy sản, an ninh lương thực và đào tạo công nhân kỹ thuật. Tổng thống Baron Divavesi Waqa cho biết, Nauru ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ sớm có văn bản chính thức khẳng định sự ủng hộ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.