Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 8 năm 2021 | 15:28

Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang vì thành tích chống dịch Covid-19

Ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, làm việc tại Bắc Giang và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Hơn 1 tháng Bắc Giang không có F0

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bắc Giang đã trải qua hơn 2 tháng hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trong các khu công nghiệp và là tâm dịch lớn nhất cả nước. Trong hơn 2 tháng chống dịch, tỉnh đã lấy gần 2 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19, điều trị cho gần 5.800 bệnh nhân. Bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ cùng sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương, đến nay Bắc Giang đã hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh và hơn 1 tháng qua không có ca F0 trong cộng đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

 

Đến ngày 10/8, tất cả các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động bình thường với 270 nghìn lao động; 100% các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường như trước dịch. Một số doanh nghiệp còn tuyển thêm lao động để mở rộng quy mô sản xuất. Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng năm 2021, dù bị tác động của dịch bệnh, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang vẫn tăng tới 10,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút gần 776 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 8 cả nước. Trong thời điểm đang là tâm dịch, tỉnh vẫn đạt năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay với hơn 215 nghìn tấn với mức giá cả phù hợp, tổng thu từ vải thiều và các sản phẩm phụ trợ đạt trên 6.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới. Qua đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 07 tháng đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 57,3%, đạt 85,1% dự toán cả năm.

Tỉnh đã thực hiện các gói hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 và đến nay đã phê duyệt hỗ trợ gần 4.100 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền gần 10 tỷ đồng; đã phê duyệt hồ sơ của 46 người sử dụng lao động vay vốn, trả lương để phục hồi sản xuất kinh doanh cho gần 26.200 lao động với số tiền trên 89 tỷ đồng;...

Phấn đầu là 1 trong 15 địa phương có tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi trở lại thăm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Chúc mừng tỉnh hơn 01 tháng qua không có ca F0 trong cộng đồng, không khí khôi phục sản xuất kinh doanh rất sôi động. Đây là thành tích xuất sắc, đóng góp vào thành tích chung của của cả nước và là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, bảo đảm đa mục tiêu. Đặc biệt, giữa tâm dịch, Bắc Giang đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đến nay, Bắc Giang vẫn giữ mức tăng trưởng khá, thu ngân sách tốt. Trong tâm dịch, tỉnh vẫn đạt năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay với hơn 215 nghìn tấn với mức giá cả phù hợp và không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang.

 

Chủ tịch nước đánh giá trong chỉ đạo Bắc Giang đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, phù hợp, đặc biệt là kiên quyết giãn cách xã hội đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách. Tỉnh đã chữa trị tích cực cho người mắc Covid-19. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư trên địa bàn tỉnh có 7 người tử vong do Covid-19, chủ yếu là người lớn tuổi, bệnh nền. Tỉnh đã có giải pháp đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả… Đồng bào, chiến sĩ và người dân Bắc Giang trong dịch bệnh đã phát huy tình làng, nghĩa xóm, hỗ trợ lẫn nhau; không ai bị "đói cơm, lạt bữa" trong thời gian giãn cách. 

"Thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang là đã đưa các ca F0, F1 vào điều trị kịp thời, phong tỏa nhanh. Hệ thống chính trị vào cuộc hiệu quả. Tỉnh đã có nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử,… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác. Trong thời gian dịch bệnh, Bắc Giang đã được nhiều đội ngũ bác sĩ, y tá chi viện từ nhiều địa phương", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước biểu dương Bắc Giang ngay từ khi chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh vẫn sắp xếp để cử hàng trăm y, bác sĩ và vật tư, hàng hóa hỗ trợ, chia sẻ với các tỉnh phía Nam; tham gia phân phối, bảo đảm lương thực cho Hà Nội.

Với những kết quả đó, ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch nước chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bắc Giang, xứng đáng là địa phương đầu tiên được Chủ tịch nước tặng Huân chương về kết quả phòng, chống Covid-19.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm đồng chí Nguyễn Thanh Quất, lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dịch bệnh còn kéo dài, do đó Bắc Giang cần tiếp tục đề cao cảnh giác, bảo vệ bằng được thành quả chống dịch thời gian qua. Tỉnh cần áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa dịch không bùng phát trở lại trên tinh thần “Luôn mong muốn những điều tốt nhất, nhưng phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất”. Do đó, tỉnh tuyệt đối không được chủ quan trước những biến thể mới, tiếp tục đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong tình trạng các địa phương giáp ranh vẫn có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Tỉnh cần nỗ lực phấn đấu nằm trong 15 địa phương tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong nhiệm kỳ này. Bắc Giang cần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất; không ngừng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Tập trung khơi thông mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có mục tiêu, giải pháp lộ trình đưa kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành tỉnh tự chủ, bảo đảm thu chi ngân sách.

Bắc Giang cần đa dạng nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững hơn; trong đó phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hướng đi cơ bản. Cùng với đó là nâng cao tính đa dạng của nền kinh tế, phát triển toàn diện, hài hòa, tăng trưởng bao trùm, bền vững, quan tâm đến cả ba lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp tục giữ vững ổn định đời sống và niềm tin của Nhân dân, đón bắt thời cơ phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, không để khu vực, dân tộc, người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Bắc Giang phát huy hơn nữa thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng phát triển đô thị xanh và các dịch vụ cao cấp. Nếu dịch bệnh xuất hiện, tỉnh cần nhanh chóng có biện pháp thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh. Dịch bệnh làm thay đổi thị trường lao động, tỉnh cần tăng cường nguồn lao động có tay nghề. Đi liền với đó là phát huy mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh… 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top