Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đảm bảo phát triển cân đối hài hoà, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm...
Sáng 25/10, thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án luật này.
“Cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi luật lần này sau 20 năm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi thảo luận tổ sáng 25/10. (Ảnh: Quốc hội)
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dư địa của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất nhiều: nhân thọ, phi nhân thọ… Dù thời gian qua tăng trưởng cao nhưng dư địa còn rất là lớn. Tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn. “Bảo hiểm là một loại hình dịch vụ, ngày càng có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương của chúng ta là tốc độ tăng dịch vụ nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Trong đó chú trọng vào các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic…”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Góp ý thêm về dự thảo dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đảm bảo phát triển cân đối hài hoà, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp"- Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nước ta bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Cụ thể, cây trồng, thuỷ hải sản… khi có thiên tai thì bị thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, khi có thiệt hại xảy ra vẫn còn nặng dựa vào hỗ trợ từ phía Nhà nước và hoạt động thiện nguyện. Bởi những vấn đề này sản phẩm bảo hiểm chưa đáp ứng. Lâm nghiệp, ngư nghiệp đang rất thiếu sản phẩm bảo hiểm nào.
"Phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông, lâm, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm để giúp cuộc sống của người nông dân an tâm"- Chủ tịch Vương Đình Huệ cho hay.
Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ).
Chúng ta cần xác lập một mối quan hệ hợp đồng đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp.
Ngoài ra Luật kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử… Đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực.
Liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ kết quả của đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để có những quy định nâng chuẩn lên, không chấp nhận những doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn: từ vốn cho đến các vấn đề quản trị…
"Trong thời gian tới, chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế nếu có 1 dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống giúp đẩy thị trường bảo hiểm lên cũng là một giải pháp thiết thực cho phục hồi kinh tế"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng kinh doanh bảo hiểm là một ngành rất quan trọng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Việc có quy định pháp luật cụ thể phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi phát triển thị trường bảo hiểm.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP Hà Nội) nhất trí với việc thay đổi lần này của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bởi đây là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, song phải cần bảo đảm quyền lợi cho khách hành.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù coi khách hàng là cần bảo vệ, song nếu bảo vệ quá mức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, việc sửa đổi một số điều khoản cần cân nhắc kỹ để không bảo hiểm một cách quá mức không cần thiết cho khách hàng, và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện còn nhiều hình thức giao dịch mới, không theo truyền thống nên Dự thảo luật sửa đổi cần tính đến. Việc công bố thông tin của doanh nghiệp gia nhập thị trường là cần thiết, song phải bảo đảm tính bảo mật của doanh nghiệp. "Trong dự thảo có một số điểm can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, không phù hợp với Luật doanh nghiệp nên cần được xem xét lại"- đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.