Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 4 năm 2019 | 21:12

Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Bỉ đã trao đổi về việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

viet-bi.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Bỉ Jacques Brotchi. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

 

Sáng 4/4, tại Trụ sở Thượng viện Bỉ, Thủ đô Brussels, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ, ngài Jacques Brotchi.

Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, ngài Jacques Brotchi chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam khi ông tới thăm cách đây một năm rưỡi với tư cách là bác sỹ tham dự hội thảo về y tế.

Đánh giá mối quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, nhất là hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy đại học, kinh tế, Chủ tịch Thượng viện cho biết Bỉ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam do hai nước có mối quan hệ gắn bó, dễ tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Jacques Brotchi đã dành thời gian tiếp và cho biết chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Bỉ lần này nhằm duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Bỉ nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ một số nét về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam.

Với điều kiện phát triển còn nhiều khó khăn nhưng trong 30 năm qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng đất nước theo hướng bền vững và năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), Việt Nam đã về đích trước thời hạn một số mục tiêu, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục...

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (SDGs).

Là thành viên tích cực trong Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững này tới các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với nền chính trị, xã hội ổn định, các nhà đầu tư yên tâm khi tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân nhằm khơi dậy nội lực, khát khao vươn lên cùng xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong 3 năm liên tục vừa qua Việt Nam đều xuất siêu.

Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Bỉ, là thị trường lớn của Việt Nam. Năm 2018, trong gần 56 tỷ USD kim ngạch thương mại Việt Nam-EU thì kim ngạch thương mại Việt Nam-Bỉ là 2,8 tỷ USD. Hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động của các công ty Bỉ tại Việt Nam không ngừng phát triển trong những năm qua.

Bày tỏ vui mừng về những thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ Chủ tịch Thượng viện Bỉ cho rằng Vương quốc Bỉ muốn củng cố những kết quả hợp tác mà hai nước đã đạt được và mở rộng hơn nữa, phát triển sang những lĩnh vực mới bởi vì điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho đất nước Bỉ. Hiện Bỉ muốn mở rộng hợp tác sang châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Bỉ đầu tư tại Việt Nam và muốn tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa.

Đánh giá lĩnh vực y tế rất có nhiều tiềm năng hợp tác, Chủ tịch Thượng viện Bỉ nhấn mạnh trong cộng đồng Pháp ngữ, Bỉ đã tham gia cùng Pháp, Canada có chương trình đào tạo, hỗ trợ cho một số bệnh viện của Việt Nam; đồng thời cho biết muốn có hợp tác riêng giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực này vì y tế là lĩnh vực Bỉ có thế mạnh.

Các bệnh viện vùng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp của Bỉ có uy tín cũng như chất lượng chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Vì vậy, Bỉ rất vui mừng khi được góp phần vào sự phát triển y tế tại Việt Nam.

Đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch Thượng viện Jacques Brotchi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khi về nước sẽ chuyển thông tin đến Bộ Y tế Việt Nam để kết nối và tăng cường hợp tác với Bỉ trong lĩnh vực này.

Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Bỉ đã trao đổi về việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Chủ tịch Quốc hội nêu một vấn đề liên quan đến lợi ích của cả hai bên trong việc thúc đẩy EVFTA; cảm ơn sự ủng hộ của Bỉ thời gian qua và đề nghị Chủ tịch Thượng viện ủng hộ, góp phần thúc đẩy để có thể ký và phê chuẩn Hiệp định này vào chương trình nghị sự đầu nhiệm kỳ tới của Nghị viện châu Âu, để hiện thực hóa các lợi ích do Hiệp định đem lại cho Việt Nam, Bỉ và EU.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã thông báo với Chủ tịch Thượng viện Bỉ về những vấn đề mà Việt Nam đã và đang thực hiện theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu, các bên đã có các cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn.

Chủ tịch Thượng viện Bỉ đánh giá cao những công việc mà Việt Nam đang triển khai thực hiện và cho rằng, điều này sẽ mang lại những lợi ích chung cho các bên.

Đối với EVFTA, Chủ tịch Thượng viện Bỉ khẳng định sự ủng hộ và cho biết sẽ góp phần thúc đẩy để có thể sớm ký và phê chuẩn hiệp định này.

Tại hội kiến, Chủ tịch Thượng viện Jacques Brotchi đã trân trọng cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Việt Nam trong thời gian thích hợp./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top