Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 2 năm 2016 | 3:44

Chủ tịch Quốc hội: Luật Báo chí bỏ trống trang tin điện tử là không ổn

Sáng nay (18/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi). Các ý kiến đều băn khoăn khi dự thảo Luật không điều chỉnh trang thông tin điện tử.

Thông tin trên mạng gần như vắng bóng trong luật

Nhấn mạnh việc tra cứu, xem thông tin trên mạng ngày càng tăng và là xu hướng không thể đảo ngược, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ: “Rất tiếc việc quản lý, kiểm soát vấn đề thông tin trên mạng gần như vắng bóng trong Luật Báo chí, không đáp ứng được thực thiễn hiện nay”.

Theo ông Ksor Phước, trước mắt cần có quy định điều chỉnh, quản lý các trang mạng “bên trong”, tức trang đặt máy chủ ở Việt Nam. Nếu để trống mảng này thì dự thảo Luật chỉ đáp ứng được 40%.

Còn theo ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn quy định liên quan các trang thông tin điện tử. Hiện các trang này được Bộ Thông tin – Truyền thông và Sở Thông tin – Truyền thông cấp phép, trong đó Hà Nội và TPHCM cấp phép nhiều nhất, hàng nghìn trang.

“Các trang này không phải báo chí nhưng tính chất rất báo chí và bình đẳng nhau trên môi trường mạng. Nếu không đưa vào Luật thì Nghị định 72 và Nghị định 74 cần có tích hợp quản lý tốt hơn”, ông Nguyễn Thế Kỷ nêu ý kiến.

chu tich quoc hoi: luat bao chi bo trong trang tin dien tu la khong on hinh 0
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên làm việc sáng 18/2

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh quan điểm không tư nhân hoá báo chí và có lộ trình quy hoạch để “báo chí không cần nhiều mà cần tinh”. Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí do Nhà nước thành lập, quản lý nên không đưa truyền thông xã hội vào luật.

“Mặc dù truyền thông xã hội đang phát triển nhanh chóng và được tạo điều kiện nhưng Luật Báo chí không điều chỉnh mà đã có Nghị định 72 chế tài chặt chẽ. Nếu đưa trang mạng xã hội vào luật thì ta lại công nhận blog cá nhân là báo chí. Sau này nghiên cứu đưa Nghị định lên thành luật để quản lý truyền thông ngoài báo chí”, ông Nguyễn Bắc Son cho biết.

Chưa thống nhất với phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Khi nói phát triển báo chí thì quán triệt quan điểm của Hiến pháp, tức bảo đảm quyền tự do của công dân. Hai nghị định kia lạc hậu so với Hiến pháp và thực tiễn của đất nước. Sửa Luật Báo chí là cơ hội luật hoá, cái gì kiểm soát được thì phải làm ngay đừng có chờ nữa”.

Hạn chế quyền tự do dân chủ không thể bằng Nghị định

Nhấn mạnh Hiến pháp 2013 quy định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ bằng luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo rà soát các Nghị định để đưa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân vào Luật Báo chí.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin là quyền dân chủ và chỉ bị hạn chế bằng luật nên để Nghị định cấm không được. Loại không phải báo chí có thể quản lý bằng Nghị định nhưng nếu Nghị định không được “đụng” quyền tự do dân chủ nên cái gì cấm phải đưa vào Luật Báo chí.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, quan điểm đường lối của Đảng về phát triển báo chí đã rõ nhưng quan trọng là vận dụng vào luật, lấy Hiến pháp làm gốc. Quản lý không có nghĩa là siết lại không cho làm nên phải tính để thấy xã hội cởi mở, dân chủ, bảo đảm quyền tự do, trừ pháp luật hạn chế vì đụng chạm lợi ích của nhân dân, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Liên quan đến các trang thông tin điện tử, Chủ tịch Quốc hội nói: “Bao nhiêu năm mới sửa Luật Báo chí nên đây là cơ hội để sửa, điều chỉnh thực tế. Cần quy định tương đối nguyên tắc trong luật, còn nói có Nghị định rồi nên Luật không bao vùng ấy là không ổn chút nào.”

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh Luật Báo chí cần điều chỉnh các trang thông tin điện tử. Nếu nội dung này chưa kịp thể hiện trong dự thảo thì chưa trình Quốc hội để có thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top