Sáng nay (3/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc với Kho bạc Nhà nước.
Theo Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà, với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tốt vai trò quản lý quỹ ngân sách Nhà nước, tập trung nhanh nguồn thu (số thu tăng dần qua các năm, năm 2011 đạt hơn 800.000 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt hơn 1.095.000 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 2011-2016, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi trên 5.500.000 tỷ đồng, đã phát hiện trên 280.000 khoản chi của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, số thực từ chối thanh toán là hơn 920 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước đã đảm bảo quản lý, điều hòa ngân quỹ trong phạm vi cả nước, đảm bảo thanh toán chi trả tại tất cả các đơn vị Kho bạc Nhà nước, sử dụng vốn nhàn rỗi hiệu quả để tạm ứng cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu chi trong khi nguồn ngân sách còn có khó khăn.
Trong những năm gần đây, mức độ phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân gần 190.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo bù đắp thâm hụt ngân sách và cho đầu tư phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính trong những năm vừa qua. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nợ công còn khá cao, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm; xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Nhu cầu chi của ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển và cho an sinh xã hội ngày càng gia tăng nên việc cân đối thu - chi của ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, nhiệm vụ to lớn của hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng như ngành Tài chính trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng và toàn ngành Tài chính nói chung cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách và hiện đại hóa; tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để xây dựng và triển khai thành công các đề án cơ chế chính sách lớn, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
Cùng với đó là đề xuất với Quốc hội, Chính phủ giải pháp quản lý sử dụng sao cho hiệu quả nhất các nguồn lực đó để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định, bền vững.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho hệ thống Kho bạc Nhà nước quản lý một khối lượng rất lớn tiền và tài sản, ngành Kho bạc phải có trách nhiệm quản lý cho tốt, cho an toàn và sử dụng cho hiệu quả nhất. Bởi mỗi đồng tiền mà kho bạc đang quản lý là sự đóng góp từ mồ hôi, công sức nhân dân. Mỗi đồng tiền được chi đúng, chi có hiệu quả sẽ góp phần làm cho kinh tế - xã hội thêm phát triển phát triển; quốc phòng, an ninh thêm vững chắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ các bài học thực tiễn cho thấy công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi nhiệm vụ, do vậy Chủ tịch Quốc hội mong muốn Kho bạc Nhà nước phải luôn trân trọng giữ gìn và phát huy tốt truyền thống đoàn kết nội bộ mà hệ thống Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và vun đắp trong gần 27 năm qua; cần tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước.
Về những kiến nghị đề xuất của lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội ủng hộ Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước với mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử vào năm 2020.
“Quốc hội ủng hộ Kho bạc nhà nước thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước và tổng kế toán nhà nước. Nếu hiện nay, các đồng chí chưa làm thì phải có định hướng, hướng tới là phải quản lý cho được, quản lý ngân quỹ, quản lý nợ Chính phủ. Vì hơn ai hết kho bạc là kiểm soát chi vào và chi ra, nắm được cơ sở dữ liệu. Tiền mà chi không đúng đối tượng thì đâu có thể ra khỏi kho bạc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Việc sửa đổi, bổ sung các điều luật có liên quan, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu, trình Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Quản lý ngoại hối để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, tạo điều kiện tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời nguồn thu vào ngân sách, đáp ứng tốt nhu cầu chi trả, thanh toán của ngân sách nhà nước./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.