Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, các nền kinh tế APEC cần tăng cường hợp tác để thích ứng với nền kinh tế số và chia sẻ đang phát triển nhanh chóng. APEC cần phải thay đổi nhanh hơn nữa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: ĐT)
Theo ông Tập Cận Bình, sự phát triển không có điểm dừng và điểm kết. Vì vậy, cần theo dõi xu hướng của kinh tế thế giới để theo đó mà hành động. Các quốc gia đang có những cải cách để phát triển. Nền kinh tế số và chia sẻ đang phát triển nhanh chóng. “Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu. Đây là xu thế không thể đảo ngược. Toàn cầu hóa kinh tế phải mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng, công bằng hơn và có lợi cho tất cả mọi người”, ông Tập Cận Bình nói.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng, môi trường kinh tế toàn cầu đang ngày càng thay đổi và đòi hỏi có sự thay đổi tương ứng. Các quốc gia, với mối quan hệ đối tác, cùng hợp tác với nhau. Với những thay đổi như vậy, các nền kinh tế APEC có nên dẫn đầu về cải cách hay không hay chỉ giữ nguyên như hiện nay? Ông cũng đặt vấn đề, các nền kinh tế cần hợp tác với nhau để đi đến một tương lai tươi sáng hơn, thúc đẩy nền kinh tế mở. Sự đóng cửa sẽ khiến các nước tụt lại phía sau. “Chúng ta cần chủ động thích nghi với phân chia lao động toàn cầu và định hình lại sự phát triển của toàn cầu”, ông Tập Cận Bình nói.
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, cần tiếp tục theo đuổi phát triển sáng tạo và tạo động lực cho sự tăng trưởng mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và chia sẻ sẽ khiến các nền kinh tế APEC phải thay đổi nhanh hơn nữa. “Chúng ta cần phải tiến tới thỏa thuận Bắc Kinh về phát triển kinh tế, phát triển kinh tế trên mạng, tăng cường phát triển và kết nối lẫn nhau. Đây là vì lợi ích chung và không thể tách rời. Sự hợp tác sẽ mở ra chân trời mới trong phát triển”, ông Tập Cận Bình nói.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự cản trở trong toàn cầu hóa hiện nay là do thiếu sự hợp tác bao trùm. Những năm gần đây, các nước đã thử nghiệm nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Các nền kinh tế cần phải làm sao để phát triển bao trùm giúp đẩy mạnh tăng năng suất, giúp xóa đói giảm nghèo, xóa các ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giúp người lao động thích nghi với sự thay đổi. Làm sao mọi người đều có phần của mình trong sự thay đổi này. Lấy con người làm trung tâm phát triển.
Là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc hiểu rõ vai trò của mình. Năm năm qua, Trung Quốc đã có sự thay đổi, theo đuổi sự tăng trưởng chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Trung Quốc đã đóng góp 30% tăng trưởng toàn cầu. “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để thông qua các cuộc cải cách toàn diện với 1.300 cuộc cải cách. Các cuộc cải cách đã được thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Chúng tôi đã phát triển về lý thuyết, cả trong thực tế và trở thành kênh lớn để mọi người đều có thể sáng tạo và thay đổi”, ông Tập Cận Bình nói và cho hay: “Trung Quốc đang theo đuổi chính sách lấy con người làm trung tâm của sự phát triển’’. Hồ ngăn cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn đang giảm dần. Hơn 13 triệu công việc mới đã được tạo ra hàng năm, trong 4 năm liên tục.
Trung Quốc đã đạt được những hiệu quả mới trong bảo vệ môi trường. Năm 2020, Trung Quốc sẽ là xã hội thịnh vượng và bao trùm. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho hay, trong 5 năm qua, ông đã đến rất nhiều vùng nông thôn, các gia đình ở Trung Quốc để thấy rõ hơn sự nghèo đói và có những nỗ lực để những người này thoát khỏi sự nghèo đói. Đến nay, đã có hơn 60 triệu người dân ở nông thôn thoát khỏi nghèo đói.
“Chúng tôi luôn dựa theo mong muốn của người dân. Đại hội Đảng cũng thông qua các cương lĩnh để đến năm 2020 trở thành một xã hội thịnh vượng và bao trùm. Đến 2035, chúng tôi sẽ là một xã hội phồn thịnh, hiện đại và đến 2050 sẽ là xã hội phồn thịnh, tự cường và hiện đại”, ông Tập Cận Bình nói và cho biết, trong năm 2018 sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm thực hiện cải cách.
Chúng tôi sẽ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đi bền vững, tăng năng suất lao động dựa trên sự sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó thiết lập nền kinh tế thị trường có hiệu quả cao với sự điều chỉnh năng động cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tìm kiếm những con đường mới cho các vùng kinh tế. “Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra sự tăng trưởng dựa vào sự sáng tạo cao. Chúng tôi cũng sẽ truyền kinh nghiệm này cho thế giới”, ông Tập Cận Bình nói và cam kết sẽ mở cửa thị trường ở mức độ cao hơn.
Trung Quốc có những chính sách tạo ra sự thay đổi về thương mại ở mức độ cao và sẽ tạo ra các khu vực thị trường tự do để mở ra các cơ hội mới; cùng với đó sẽ đàm phán các hiệp định thương mại mới và tạo ra mạng lưới tự do hóa thương mại toàn cầu. “Trong 15 năm tới, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu khoảng 24.000 tỷ USD giá trị hàng hóa. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư ra nước ngoài khoảng 2.000 tỷ USD nữa. Đến 2020, người dân ở khu vực nông thôn của Trung Quốc sẽ thoát khỏi đói nghèo. Mỗi người dân Trung Quốc sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn và không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Tập Cận Bình cho biết thêm.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho hay, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có những bước phát triển mạnh về bảo vệ môi trường và sẽ trở thành đất nước tươi đẹp hơn; sẽ tăng sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch, không dùng nguyên liệu thô. Nỗ lực phát triển kinh tế sẽ được đẩy mạnh không ngừng. "Con đường phía trước không bao giờ êm ái nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng một thế giới sạch, an toàn" - Chủ tịch Tập Cận Bình chia sẻ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết về sự phát triển hòa bình. Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sự hòa bình, vì lợi ích của các nước trên thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.