Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 8:53

Chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp

Sáng 19/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Cân nhắc tên gọi của dự thảo Luật

Về tên gọi của luật, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhất trí với tờ trình của Chính phủ, lấy tên gọi của luật là Luật lâm nghiệp. Theo đại biểu, tên gọi “Luật Lâm nghiệp” bảo đảm tính thống nhất của ngành lâm nghiệp, mang tính tổng quát nhất, dễ hiểu nhất. Ngay ở khoản 1 Điều 3 giải thích từ ngữ của dự thảo Luật đã nêu: Các khái niệm về lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững về môi trường quốc phòng, an ninh. Trong đó đã bao gồm bảo vệ, phát triển rừng.

Hơn nữa, tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng không mang tính tổng quát của ngành lâm nghiệp, chỉ xoay quanh hai nội dung là bảo vệ và phát triển. Điều này không còn phù hợp trong tình hình hiện nay, ngành lâm nghiệp đang phát triển rộng cả về kinh tế và môi trường.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Đình Thông – tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội trường   Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Dương Đình Thông – tỉnh Bắc Giang cho rằng, rừng là tài nguyên rất quan trọng của quốc gia và là chủ thể chính của lâm nghiệp, tên gọi “Luật Bảo vệ và phát triển rừng “ phù hợp với yêu cầu về thời sự cấp bách hiện nay là bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Thực tiễn trong những năm vừa qua việc bảo vệ và phát triển rừng có vị trí, vai trò rất quan trọng, đóng góp vào việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như củng cố an ninh quốc phòng. Hơn nữa, việc trồng rừng và phát triển rừng luôn gắn liền với bà con ở đồng bào vùng sâu, vùng xa, và đặc biệt là ở miền núi. Do đó, theo đại biểu, việc giữ nguyên tên gọi như luật hiện hành đó là Luật Bảo vệ và phát triển rừng là hợp lý.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua thảo luận vẫn có 2 loại ý kiến về phương án tên luật là Luật Lâm nghiệp hoặc Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo Bộ trưởng, tên Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, bao quát đủ các nội dung, các hoạt động lâm nghiệp theo giá trị từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến thương mại, lâm sản với tư cách lâm nghiệp là một ngành kinh tế đặc thù. Việc xác định tên như vậy cũng là thể chế hóa quan điểm của trung ương tại Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, qua tham khảo luật pháp quốc tế thấy rằng hầu hết các quốc gia đều ban hanh Luật Lâm nghiệp hoặc Luật Về rừng. Do đó, tại Tờ trình 68, ngày 1/3/2017 Chính phủ đề nghị Quốc hội tên luật là Luật Lâm nghiệp.

Chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp

 

Đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà – tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội trường

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà – tỉnh Gia Lai cho rằng, dự thảo luật còn quy định chung chung, chưa chỉ rõ cụ thể người chịu trách nhiệm khi rừng bị phá, cháy rừng và mất rừng. Theo đại biểu, Ban soạn thảo nên quy định rõ tại điều này: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý hoặc để các tổ chức, cá nhân, cấp dưới vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm vấn đề trách nhiệm của Nhà nước về rừng đối với người dân tộc thiểu số vì nội dung này chưa được đưa vào dự thảo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – tỉnh Vĩnh Long đồng tình cho rằng quản lý nhà nước về lâm nghiệp như dự thảo không hợp lý. Đại biểu băn khoăn khi lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên môn riêng, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, được pháp luật quy định, được trang bị công cụ hỗ trợ mà còn khó khăn trong việc bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với những quy định khái quát trong dự thảo sẽ không đủ thầm quyền xử lý vi phạm. Theo quy định tại dự thảo luật, công chức mới được xử lý vi phạm. Lực lượng này không có đủ công cụ hỗ trợ, nhất là với diện tích rừng hay đất rừng đã được giao thì trách nhiệm bảo vệ rừng là của tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách, tức là hoạt động độc lập, không có sự hỗ trợ, phối hợp của kiểm lâm thì sẽ rất khó hòan thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân – tỉnh Khánh Hoà cho rằng, trong 12 chương, 97 điều của dự thảo luật hoàn toàn không thấy quy định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể tham gia vào việc phát triển, bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào Chương 1 những quy định chung hoặc Chương 11 về quản lý nhà nước về lâm nghiệp vì hiện nay, vai trò của quần chúng nhân dân, vai trò của mặt trận các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở, ở các địa phương rất quan trọng trong việc giữ rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo luật để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các vị đại biểu Quốc hội và sẽ xem xét để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top