Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 9 năm 2016 | 1:50

Chuyện dạy chữ trên đỉnh Ngù Háu

Là một trong số những điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Hoành Mô I, xã Hoành Mô (Bình Liêu - Quảng Ninh), Điểm trường Cao Sơn nằm chênh vênh giữa bản người Dao trên sườn núi mây bao phủ quanh năm. Gian nan là vậy, nhưng tại đây, các thầy cô vẫn ngày đêm cõng từng con chữ lên non cao, “gieo” kiến thức, ước mơ, hy vọng vào  tâm hồn con trẻ.

Để gieo được con chữ cho học sinh, các thầy phải đi bộ hơn 20 phút mới đến được điểm trường tiểu học Cao Sơn.

Bản Ngù Háu, thường được gọi là Cao Sơn (nghĩa là núi cao), nằm ở độ cao trên 800m so với mực nước biển. Để lên được điểm trường, thầy cô phải vượt qua chặng đường dài với những cung đường dốc dựng đứng, quanh co, một bên là vực thẳm, một bên là núi, xung quanh là mây mù và cây cối bao phủ.

Trước đây, khi con đường từ trung tâm xã chưa được cứng hóa, thầy cô muốn lên bản dạy con chữ phải gửi xe ở ngoài Loòng Vài, đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới đến bản Ngù Háu. Nhiều hôm xe bị thủng lốp, các thầy phải dắt xe tấp tạm vào lề đường, cuốc bộ lên để kịp giờ đứng lớp. Đợi đến cuối tuần xuống núi mới dắt xe về sửa. Đấy còn chưa kể những lúc mưa lũ đổ về, các thầy lại phải đợi vài tiếng cho nước rút mới qua được để đi bộ lên trường.

Thầy Hoàng Văn Minh, vận động, tuyên truyền để người dân tạo điều kiện cho con em đến lớp.

Thầy Hoàng Văn Minh, giáo viên 4 năm gắn bó với điểm trường, tâm sự: “Mới đầu, khi được phân công lên đây công tác, tôi cũng hơi nản. Dân cư thưa thớt, sự lạnh lẽo hoang vắng nơi núi rừng khiến tôi cảm thấy đơn độc. Nhiều hôm đến bữa, tôi phải mang bát cơm ra ngoài ăn rồi nhìn xem có người dân đi qua gọi vào ăn cùng và nói chuyện để bữa ăn được ngon miệng. Nhớ có lần lũ to không về được, ở lại trường ăn rằm tháng Bảy với 3 con cá mặn và chai rượu hay những bữa ăn trưa đạm bạc của thầy trò với cháo trắng và cá mặn”.

Bản Ngù Háu có 28 hộ, phân bố rải rác ở 4 quả đồi; trong đó 25 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo với 14 học sinh đều là người Dao. Để “gieo” được con chữ nơi đỉnh mây mù này, các thầy cô gặp không ít khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá hiểm trở đã đành, việc tiếp xúc, vận động học sinh đến lớp để duy trì sĩ số cũng là một khó khăn. Bởi, phụ huynh nơi đây còn quan niệm lạc hậu, cộng với cuộc sống nghèo khổ khiến họ không có thời gian để quan tâm tới việc học hành của con cái. Vì thế, sau mỗi giờ lên lớp, thầy cô lại chia nhau đến từng nhà vận động, tuyên truyền để đồng bào hiểu được sự quan trọng của việc học hành, từ đó tạo điều kiện để cho con em tới trường.

Những người thầy ở đây cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi mỗi lần nước suối dâng cao hơn lại được đứng đợi để cõng học sinh qua, hay nhìn những nụ cười của lũ trò nhỏ khi được thầy giáo cắt cho bộ tóc, mua cho đôi ủng, cái cặp, cái áo để lên lớp. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho  thầy cô vượt qua khó khăn, vất vả để dạy cho các em biết con chữ.

Thầy Minh kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh.

Nhằm tạo được hứng thú và sự hăng say trên lớp học, các thầy phải thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp, dưới nhiều hình thức phong phú như: chủ động hỏi chuyện học sinh; đăng ký học lớp tiếng Dao để hiểu rõ về ngôn ngữ và phong tục tập quán người dân; tổ chức các trò chơi, kiếm các vật dụng, tranh ảnh phù hợp với từng bài giảng để cho học sinh dễ hiểu.

 Với vai trò vừa là người thầy, người cha, người anh, các thầy cô dần dần xây dựng được niềm tin cho các em và được đồng bào yêu quý. Đến nay, thay vì nghỉ quá nửa lớp như trước, sĩ số lớp học được duy trì 100%, phụ huynh vui vẻ đưa con đến lớp, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, thay vì cúng ma, bà con đã biết đi đến bệnh viện để khám - chữa bệnh.

Và chuyện ăn uống hằng ngày của các thầy giáo cắm bản nơi đây cũng là cả một câu chuyện dài. Đường xa, đi lại khó nên cứ đầu tuần các thầy phải sắm sửa đồ dùng và đi chợ mua thức ăn ngoài trung tâm xã về dự trữ. Do vậy, đầu tuần thì có thức ăn tươi, nhưng thịt phải kho thật mặn nếu không, để lâu sẽ bị thiu. Còn cuối tuần thì ăn cơm với lạc rang, cá mặn, tàu xì...

 Những ngày mùa đông, các thầy phải đệm 2 chăn bông để đắp nhưng vẫn lạnh tới xương; hay khi mùa xuân về, có đợt mưa xuân kéo dài hàng tháng khiến cho mọi thứ ẩm ướt, quần áo giặt phơi hàng tuần không khô… Khó khăn là vậy nhưng những người thầy vẫn mệt mài dạy chữ cho học sinh nơi đây với mong muốn đưa nền giáo dục - đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có một bước phát triển tốt hơn và “gieo” kiến thức, ước mơ, hy vọng vào  tâm hồn con trẻ.

Hoàng Gái - La Lành

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top