Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 năm 2016 | 12:59

Chuyển đổi mô hình sản xuất thay đổi cuộc đời

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết, khí hậu. Sự mạnh dạn đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu.

Làm giàu với dưa hấu trên đất ruộng hạn, mặn

Nông dân Sóc Trăng chuyển sang trồng dưa hấu trong điều kiện hạn, mặn.

Tại xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), hàng trăm hộ nông dân đang theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, mạnh dạn chuyển vụ lúa xuân hè sang trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Chỉ sau 2 tháng kể từ ngày xuống giống, dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất và giá cả vượt trội.

Trước đây, vụ xuân hè, anh Danh Sà Ri (38 tuổi, ấp Bâng Cốc) chủ yếu xuống giống lúa vụ 3 nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp nên sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, cũng có khi thua lỗ.

Từ thực tế đó, được sự khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, mấy năm nay, anh không làm lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng dưa hấu. Với cách làm này, gia đình anh đã khấm khá hơn, có của ăn của để.

Theo anh Sà Ri, năm nay, anh mạnh dạn xuống giống  6 công (1 công tầm lớn = 1.300m2) dưa hấu. Sau 2 tháng chăm sóc, dưa hấu cho thu hoạch với năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/công, thương lái mua với giá 4.500đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lời trên 70 triệu đồng.

Thắng lợi với dưa hấu, anh mạnh dạn trồng thêm hành lá bởi vào mùa khô hạn, hành lá rất hiếm,  bán được giá cao. Vì thế, anh đầu tư trồng 500m2 hành lá, thu hoạch được trên 1 tấn, thu về 15 triệu đồng, trừ chi phí, lời gần 13 triệu đồng. Anh Sà Ri nói: “Tôi thấy mùa khô rất hiếm hành nên thử trồng xem sao, không ngờ lại cho hiệu quả cao. Nếu trồng dưa lời khoảng 70% so với chi phí bỏ ra thì làm hành lời khoảng 90%. Trước đây trồng lúa, thuận lợi lắm thì lời khoảng 12 triệu đồng, nếu thời tiết diễn biến phức tạp thì lỗ. Từ khi chuyển sang làm dưa hấu, mỗi vụ tôi có thu nhập 30-40 triệu đồng, vụ này trồng thêm hành, bỏ túi thêm hơn 10 triệu đồng mà lại khỏe re. Hiện, tôi đang tiếp tục trồng hành lá và đậu bắp”.

Nói về kỹ thuật trồng dưa hấu, anh Sà Ri cho biết: “Sau khi thu hoạch xong 2 vụ lúa hèthu, đông xuân sớm, tôi bắt đầu xuống giống trồng dưa hấu theo hình thức đào lỗ, bỏ một ít tro trấu rồi thả hạt, tưới mỗi ngày 3 lần cho đến khi nảy mầm thì chỉ tưới 2 lần/ngày. Khi cây lớn thì tưới đậm mỗi ngày 1-2 lần. Sau đó, sửa dây cho nằm thẳng, chú ý tỉa nhánh để cây chủ phát triển tốt, cho trái chất lượng cao. Khi dây có hoa thì chú ý thụ phấn cho hoa để đạt hiệu quả cao. Khi dây cho trái phải tỉa bớt, mỗi dây chỉ để 1-2 trái và chỉ để trái trên dây cách gốc khoảng 15 lá, sửa trái dưa nằm cho đúng tư thế để có trái dưa đều đặn, đẹp mắt”.

Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: Mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng vụ xuân hè đã được áp dụng thành công tại địa phương từ nhiều năm nay, cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Nhiều hộ dân đã đổi đời từ mô hình này, trong đó có gia đình anh Danh Sà Ri. Đặc biệt, năm nay bà con trúng lớn vì dưa hấu vừa trúng mùa vừa được giá.

Theo ông Hùng, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, địa phương sẽ khuyến khích, vận động người dân áp dụng công thức sản xuất: 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Việc đưa cây màu xuống chân ruộng trong vụ 3 vừa hạn chế sử dụng nước ngọt trong tình hình khô mặn vừa tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân”.

Đổi đời với cây mãng cầu gai

Thành quả từ mô hình sản xuất của ông Vui.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mãng cầu gai rộng 13.000m2 của mình, ông Lê Văn Vui (57 tuổi, ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) vui vẻ cho biết: Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông ra riêng với 6 công vườn và 5 công ruộng. Lúc đó, khu vực này bị nhiễm phèn mặn, đất vườn toàn cây tạp, đất ruộng mỗi năm làm 1 vụ lúa mùa, năng suất bấp bênh nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Khi xã Vĩnh Quới được đầu tư các công trình thủy lợi ngăn mặn, xổ phèn, ông Vui mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau khi đi tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất mới, ông đã chọn cây mãng cầu xiêm để trồng.

Ban đầu, ông trồng 500 gốc mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát với diện tích 5.000m2. Sau 2 năm chăm sóc, cây đã cho trái. Mỗi năm ông thu được khoảng 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Thấy hiệu quả kinh tế khá cao, năm 2005, ông tiếp tục trồng thêm 7.000m2 với khoảng 600 gốc, nâng diện tích trồng mãng cầu lên 13.000m2 với 1.100 gốc. Mở cuốn sổ theo dõi, ông Vui cho biết: Năm 2007, ông thu được 12 triệu đồng; năm 2010 được 39 triệu đồng; năm 2012 là 228 triệu đồng; đến năm 2013 được gần 300 triệu đồng,… Hiện, mỗi năm cây mãng cầu gai mang về cho ông khoản lãi chừng 400 triệu đồng.

Hiện, mãng cầu gai đang vào mùa thu hoạch, cứ 3 ngày ông bán 500kg với giá 23.000 đồng/kg, bỏ túi khoảng 4 triệu đồng/ngày, một con số mà nhiều nông dân mơ ước.

Lợi nhuận từ mãng cầu gai, ông mua thêm đất và mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, ông đã có 46 công ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa. Sản phẩm từ cây lúa được ông sử dụng nấu rượu, nuôi heo, trồng nấm rơm, mỗi năm đem về cho ông không dưới 200 triệu đồng.

Ông Vui cho biết: “Là nông dân, mình phải nhạy bén, nắm bắt kịp thời những mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp. Mùa mưa năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 5.000m2 mãng cầu gai. Chỉ cần 2 năm nữa, số mãng cầu này cho thu hoạch, với giá bán như hiện nay thì chắc chắn thu nhập của gia đình tôi sẽ đạt trên 800 triệu đồng/năm”.

Nói về kinh nghiệm trồng mãng cầu gai, ông Vui cho biết: “Cây mãng cầu gai dễ trồng, không tốn nhiều chi phí nhưng phải thường xuyên chăm sóc, bón phân. Cây trưởng thành ra hoa, phải lấy nhụy đực thụ phấn cho nhụy cái vào buổi sáng. Khi cây đã đậu trái, thường xuyên phun thuốc bảo vệ trái; vệ sinh vườn không để cỏ mọc, sâu bệnh trú ẩn, gây thiệt hại đến sản lượng mãng cầu. Bón phân vào mùa mưa mỗi tháng 1 lần, mùa nắng 2 tháng 1 lần loại NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8.

Sau khi đậu trái khoảng 85 - 95 ngày là thu hoạch, thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Đây là loại trái cây giàu chất khoáng, nhiều vitamin B1, B2, C. Trái có vị chua, mùi thơm hấp dẫn.

Cơ ngơi của ông Vui từ mãng cầu.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quới, cho biết: “Mô hình trồng mãng cầu gai giúp bà con giải quyết bài toán chọn lựa cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Hiện, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ noi gương ông Vui, thành công với mô hình sản xuất kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng”.

Với những thành công trong sản xuất, ông Vui đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015; UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2012-2014; đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội.

Có thể nói, những mô hình trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con, vừa giúp giảm bớt áp lực bởi tình trạng hạn, mặn xâm nhập như hiện nay.

Cao Xuân Lương

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top