Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 8 năm 2020 | 15:56

Chuyện kể của người tham gia cướp chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang

Ông là Ma Văn Dần, cán bộ tiền khởi nghĩa, người đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vừa diễn ra, tôi vinh dự được gặp một khách mời “đặc biệt”, năm nay 94 tuổi, gần 75 tuổi Đảng. Ông là Ma Văn Dần, cán bộ tiền khởi nghĩa, người đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật.

 

tr36.jpg
Ông Ma Văn Dần (trái) nhớ lại những ngày đầu ông tham gia cướp chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật.

 

Ký ức vẹn nguyên

Một cơ duyên may mắn, tôi gặp ông bên lề Đại hội, một cụ già tóc bạc phơ, dáng người cao, nhìn còn khỏe và minh mẫn. Qua gặp gỡ, trao đổi tôi mới biết, ông là Ma Văn Dần, ở thôn 2, phường An Tường, TP. Tuyên Quang, khách mời cao tuổi nhất Đại hội.

Ông Dần cho hay, ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, là một trong 30 người tham gia cướp chính quyền năm 1945 thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật, nay chỉ còn lại 4 người.

Ông Dần nhớ lại, năm 1945, khi đó ông 19 tuổi, là con nhà nghèo (ở thôn Yên Mỹ, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn), chứng kiến cảnh người dân lầm than, đặc biệt là người ở miền xuôi lên Tuyên Quang đói, chết dọc đường rất nhiều, nhìn mà xót xa. Nhiều người bảo bây giờ chỉ đi làm cách mạng thì mới có thể sống được, ở nhà thì chết đói hết. Thế là ông tham gia cách mạng, đóng quân ở Yên Bình (Yên Bái), ngày đêm luyện tập thành lính bắn giỏi, chạy nhanh…

Khi có lệnh Tổng khởi nghĩa của Hồ Chủ tịch phát đi từ Tân Trào, và được lệnh hành quân từ Yên Bình về Yên Sơn chuẩn bị sẵn sàng cướp chính quyền, giải phóng thị xã Tuyên Quang của đồng chí Song Hào, lúc đó ông vui sướng lắm. Ngày 16/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập. do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Đúng 2 giờ sáng ngày 17/8/1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được phát đi. Các mũi tiến công của quân ta đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng yếu của địch. Ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch. Đến ngày 21/8 thì giành chính quyền thành công. Lúc này, tổ chức giao ông cưỡi ngựa đi thông báo cho người dân trong tỉnh về mít tinh mừng thị xã được giải phóng.

Ông Dần nhớ lại, sau 3 ngày chiến đấu ác liệt, lúc đầu có khoảng 20 quân Nhật xin đầu hàng, sau khi xin hàng, họ ra chợ mua đồ ăn, ăn xong lại phản công bắn trả lại, ta lại tiếp tục chiến đấu, cuối cùng dưới sự chiến đấu quyết liệt của quân ta, họ phải hàng hoàn toàn, rút khỏi đất Tuyên Quang.

Khi cướp được chính quyền, ông phấn khởi, sung sướng lắm, lúc này mới hiểu thế nào là quyền được tự do. Ngay sau đó, ông tham gia tuyên truyền cho người dân không phá rừng, không đốt nương, cải tạo thủy lợi, đường giao thông, làm ruộng từ 1 vụ lúa thành 2 vụ, dạy chữ cho người dân, vận động nhân dân tham gia bầu cử năm 1946. 

Đổi thay sau 75 năm

Ông Dần tâm sự, ngày xưa quần áo không có, ăn đói, mặc rách, không đủ ruộng làm, có những người dân đi ăn cắp để có ăn. Hiện nay, đồng ruộng được cơ giới hóa, nhiều cánh đồng mẫu lớn, năng suất, hiệu quả gấp nhiều lần, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Các cháu nhỏ được ăn ngon, mặc đẹp, học trong môi trường tốt, đời sống người dân ngày càng nâng cao, giao thông đi lại thuận tiện. Sau 75 năm độc lập, Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều, có tiếng nói, có vị thế trên trường thế giới.

 

tr37.jpg
Biết phát huy lợi thế, thế mạnh của mình, giờ đây ở Yên Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết, nối tiếp thành quả của các thế hệ đi trước, Yên Sơn đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 37 triệu đồng/năm. Hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với liên doanh liên kết trong sản xuất, chế biến. Nhiều sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc.

Năm năm qua, Yên Sơn xây mới 30 trường học, 381 phòng học, phòng chức năng, 39 công trình phụ trợ với tổng kinh phí trên 181 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 31 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 8 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, kết quả huyện giải quyết việc làm mới cho 25.232 lao động; tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 74% lên 95,37%. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với công tác giảm nghèo, hy vọng đến cuối năm 2020, giảm xuống còn 6,20% hộ nghèo.

Chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Đến nay, có 10.737,5ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; độ che phủ rừng trên 61%. Huyện có 08 xã đạt chuẩn NTM; năm 2020 xây dựng 02 xã đạt NTM nâng cao và thêm 04 xã về đích NTM.

Những ngày này cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạnh Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng thời gian các địa phương tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để mỗi thế hệ trẻ tưởng nhớ sự cống hiến, hy sinh quên mình của nhiều bậc cha ông đi trước, nhớ tới một thời hào hùng của dân tộc đã đi lên từ “máu” để giành độc lập cho dân tộc. Để hôm nay, sau 75 năm, chúng ta có một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam có vị trí, thế đứng trên trường quốc tế, là bạn là đối tác của hầu hết các quốc gia trên thế giới..

 

Ông Dần chia sẻ, ngày xưa, ông nghe Đảng ra lời kêu gọi đứng lên tiêu diệt giặc, giành lại chính quyền, giải phóng thị xã thì bây giờ lại nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra lời kêu gọi “Toàn dân chống đại dịch Covid-19” và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngoài việc tuyên truyền cho con cháu phòng chống dịch, ông còn trực tiếp ủng hộ 6 triệu đồng vào công tác chống dịch Covid-19 của thành phố Tuyên Quang.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top