Họ là những điển hình tiên tiến được về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vừa qua, nhưng trên hết, họ chính là những người truyền lửa cho cộng đồng, những nhân tố tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam.
Cựu chiến binh là người phải biết sống, cống hiến cho đất nước
Đó là tâm sự của ông Ngô Công Đoan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Công Nam, tỉnh Gia Lai.
Sinh ra tại quê lúa Thái Bình (ông Đoan sinh năm 1963 tại xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà), năm 1983 ông nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Đoan vào làm công nhân quốc phòng tại Binh đoàn 15, Quân khu 5. Do nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên, năm 1991 gia đình ông chuyển đến sinh sống tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, huyện biên giới của tỉnh Gia Lai.
Ông Đoan kể: “Là người lính trở về đời thường, những năm đầu, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng phải vất vả vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Vốn xuất thân từ người nông dân có tính cần cù, chịu khó, cùng với ý chí quyết tâm vươn lên của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi không sợ gian khổ, khó khăn, quyết tâm ở lại lập nghiệp trên vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên. Lúc đó đời sống của nhân dân địa phương còn rất khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, khí hậu khắc nghiệt, sốt rét nhiều… Trong hoàn cảnh ấy, tôi luôn suy nghĩ: Phải làm gì và bắt đầu từ đâu để phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng địa phương.
Từ những suy nghĩ đó, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của bản thân cùng với sự động viên, cổ vũ của bạn bè, đồng đội, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tôi và gia đình đã lựa chọn mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi và trồng trọt. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy việc trồng lúa, ngô, đậu và chăn nuôi để tạo tiền đề, từng bước phát triển cây cao su, cà phê, hồ tiêu…, sau một thời gian ngắn tôi đã tạo dựng được mô hình kinh tế cho riêng mình.
Với nghị lực của người lính, tôi đã học hỏi, tìm tòi kiến thức, kinh nghiệm và xác định được hướng phát triển kinh tế bằng hình thức trang trại kết hợp với kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại Công Nam đã ra đời từ ý tưởng đó. Trang trại của tôi ngày một phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương (trong đó có 30% lao động là cựu chiến binh (CCB) và con em CCB) với thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng”.
Hiện, Công ty TNHH Thương mại Công Nam có 40ha cao su đang khai thác, 20.000 trụ tiêu kinh doanh, doanh thu hàng năm từ 9-10 tỷ đồng. Năm 2011, ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng danh hiệu “Top 10 trang trại vàng Việt Nam”.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các con học tập, lao động để trở thành những công dân tốt, ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện như: Tình nguyện nuôi một mẹ liệt sĩ không nơi nương tựa; nuôi cháu gái Ksor HPhước bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đến suốt đời; hỗ trợ 215 hộ dân mua 280 tấn phân bón; xây dựng được 8 căn nhà; ủng hộ quỹ chất độc da cam/dioxin và hội viên bị phơi nhiễm chất độc da cam, ủng hộ ngân hàng bò, đóng góp xây dựng nông thôn mới,…
Với những thành tích, đóng góp đó, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015); được tặng 21 Bằng khen, 21 Giấy khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam,…
Muốn thoát nghèo phải nỗ lực
Vốn là một trong những hộ nghèo của thôn, gia đình ông Vàng Seo Hầu, dân tộc Mông, thôn Hóa Chéo Chải, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai) từng chạy ăn từng bữa. Thế mà nhờ sự nỗ lực hết mình của bản thân, ông đã sớm thoát nghèo, vươn lên giàu.
Ông tâm sự: “Những năm trước, hầu hết các gia đình trong thôn Hóa Chéo Chải sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói lúc giáp hạt; ốm đau không có tiền chữa trị… Để thoát khỏi hoàn cảnh đó, gia đình tôi đã bàn và thống nhất phải quyết tâm thoát nghèo đói. Thế nhưng phải bắt đầu từ đâu thì cả nhà… lúng túng. Nghĩ mãi rồi nhớ lại, có lần đi tập huấn, nghe cán bộ tuyên truyền nói muốn thoát cái đói, cái nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, gia đình tôi tập trung vào lao động sản xuất, nên đã bảo đảm được an ninh lương thực.
Nhờ được hỗ trợ giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, không chỉ gia đình tôi mà cả bà con trong thôn cũng áp dụng vào sản xuất nên vụ lúa, ngô nào cũng được mùa, gia súc, gia cầm đầy chuồng.
Được đà, tôi đã vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội sắm ô tô chuyên thu mua, vận chuyển nông sản và vật liệu cho bà con trong thôn, xã và trong huyện. Đến nay, gia đình tôi đã có 2ha lúa ngô; 3ha rừng, kết hợp với chăn nuôi và kinh doanh vận tải đã đem lại nguồn thu cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động viên các đại biểu đã có những đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước.
Từ những nỗ lực sản xuất, kinh doanh đó, cuộc sống gia đình của ông Hầu đã được cải thiện, là 1 trong 18 hộ khá của thôn. Hiện, gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm đầy đủ các loại phương tiện như: 2 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, 2 xe ô tô vận chuyển hàng hóa nông sản...
Ngoài việc nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế, gia đình ông Vàng Seo Hầu còn giữ gìn mối đoàn kết tình nghĩa của bà con thôn xóm; không ngừng vận động, hỗ trợ vật chất, chia sẻ kinh nghiệm để các hộ trong thôn, xã cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng để góp sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới; giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn bằng việc cho vay tiền mua giống mới, vay phân bón để sản xuất và đối trừ bằng sản phẩm sau thu hoạch với tổng số tiền 30 - 50 triệu đồng.
Người gìn giữ dân ca Bố Y
Đó là bà Lồ Lài Sửu, dân tộc Bố Y, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình (Mường Khương – Lào Cai).
Là người con của dân tộc Bố Y, ngay từ nhỏ bà được sống trong môi trường văn hóa truyền thống, những câu ca, bài hát đã ngấm vào bà từ thuở ấu thơ. Dân ca của người Bố Y có nội dung rất sâu sắc và ý nghĩa, giai điệu và lời hát chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước. Thông qua những lần giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức tại xã, bà Sửu càng thấy yêu thích dân ca, dân vũ truyền thống. Từ đó bà bắt đầu nghiên cứu, học hỏi và sưu tầm những bài ca dao, dân ca của dân tộc Bố Y, đồng thời sáng tác những bài ca dao, dân ca, điệu múa dân gian truyền thống. Ngoài học hát từ các bậc cao niên trong thôn, bà còn học thêm từ việc tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao để làm giàu thêm vốn bài hát.
Theo bà Lồ Lài Sửu, trong quá trình học tập và sưu tầm văn hóa văn nghệ, các bài hát dân ca, bà đã kết hợp với các ban ngành đoàn thể của thôn, xã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ tại thôn, tham gia biểu diễn tại huyện cũng như đi giao lưu văn hóa văn nghệ tại các xã như Bản Xen, Bản Lầu, Lùng Vai (huyện Mường Khương).
Mặt khác, bà tham gia làm cộng tác viên cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai từ những năm 2004 đến nay, thường xuyên cung cấp các thông tin về phong tục tập quán, lễ hội, lễ Tết và các phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, tri thức canh tác nông nghiệp, lễ ma khô, đám cưới, bài thuốc dân gian của người Bố Y cho các cán bộ nghiên cứu của Sở và các viện nghiên cứu ở Hà Nội. Bà Sửu còn tham gia phục dựng và bảo tồn Tết mồng 8 tháng 4; Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y.
Bên cạnh đó, gia đình bà còn tích cực phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi để nâng cao thu nhập. Mỗi năm gia đình bà gieo trồng hơn 40kg giống ngô lai, trừ chi phí, thu được hơn 80 triệu đồng; trồng được 0,8ha mía, thu về 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình bà còn có 0,5ha chè và nuôi 03 con ngựa, kinh doanh vận tải hàng hóa, thu mua nông sản và cung ứng phân bón cho nhân dân,…
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, kinh doanh vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp nên gia đình bà được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liên tục. Bà còn hướng dẫn nhân dân cách làm kinh tế, vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho bà con vay vốn sản xuất không lấy lãi.
Năm 2013, bà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Dương Thanh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.