Theo Thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ mong chờ thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 31/5 tới về những biện pháp tăng cường "quan hệ song phương" và thúc đẩy "hợp tác khu vực” với một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
Thông báo cho thấy Hoa Kỳ không chỉ quan tâm phát triển quan hệ song phương mà còn mong muốn thúc đẩy hợp tác đa phương với Việt Nam.
Nhìn lại những diễn biến trong gần một năm qua, có thể thấy mong muốn trên của Hoa Kỳ là có cơ sở, thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với mối quan hệ với Việt Nam trên cả bình diện song phương và đa phương.
Cụ thể, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hồi tháng 4, Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ.
Theo một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống của Hoa Kỳ sẽ làm tăng “uy tín ngoại giao và vai trò” của Việt Nam.
Cũng trong tháng Tư, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự một loạt các Hội nghị cấp cao ở khu vực, trong đó có Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam.
Ông Mike Pence cho rằng Tổng thống Mỹ có mặt tại các hội nghị này "là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc mà chúng ta cùng chia sẻ”.
Như vậy, Hoa Kỳ có nhu cầu phát triển quan hệ với Việt Nam trong khi Việt Nam cũng có nhu cầu phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, không chỉ vì lợi ích của mỗi nước mà còn vì lợi ích, vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn Tư vấn Albright Stonebridge tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một đối tác rất quan trọng của Hoa Kỳ.
Cùng với lịch sử và quan hệ nhân dân giữa hai nước, ông Anthony Nelson cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan tâm trong nhiều vấn đề khu vực và có rất nhiều lĩnh vực hợp tác.
Ngoại giao tích cực
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định sự tích cực, chủ động trong việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII, chúng ta cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn… trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi".
Ngày 14/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ.
Trong thời gian qua, với sự chủ động của Việt Nam, hai bên tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi, tiếp xúc. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã gửi điện mừng Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence chính thức nhậm chức và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng tới tân Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Ngày 17/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson bền lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20.
Ngày 23/2/2017, Tổng thống Donald Trump đã gửi thư cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Từ 18-22/3/2017, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã có chuyến công tác tại Mỹ để trao đổi về tình hình và biện pháp thúc đẩy quan hệ, cũng như các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm.
Từ ngày 19-22/4/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Rex Tillerson; tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Rex Tillerson, gặp Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin, Quyền Đại diện Thương mại Stephen Vaughn, các trợ lý nghị sĩ, giới doanh nghiệp và học giả Mỹ…
Theo ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), những động thái đối ngoại chủ động, tích cực như trên đã góp phần cùng cố niềm tin, tạo đà để quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, thực chất; có lợi cho cả hai bên và có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Đó cũng là cơ sở để Hoa Kỳ đặt mong muốn “kép” vào chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và vào quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai.
Hải Minh/Chinhphu.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.