Theo thống kê của xã Hồng Quang (Lâm Bình - Tuyên Quang), trên địa bàn có 21 hộ, với 101 người dân tộc Thủy, trong đó có 77 người đang cư trú tại xã, số còn lại phân tán ở các nơi khác do kết hôn, đi làm ăn xa. Trước đây, người Thủy cư trú trên các đỉnh núi, do sống biệt lập nên tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn thường diễn ra. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào đang dần được cải thiện.
Đường dẫn vào thôn Thượng Minh còn xa và nhiều khó khăn.
Vật thiêng
Dẫn chúng tôi vào thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, nơi có tộc người Thủy sinh sống, ông Mùng Văn Kiều (người Thủy), hiện sống ở xã Minh Đức (Chiêm Hóa), cho biết: Dân tộc Thủy có 3 họ chính, gồm Lý, Mùng và Bàn. Người Thủy có ngôn ngữ, chữ viết riêng nhưng hiện đã bị mai một. Cách ăn mặc, chữ viết, các phong tục cưới xin, ma chay cơ bản giống các dân tộc ở địa phương.
Theo các bậc cao niên truyền lại, người Thủy vốn sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Lúc bấy giờ do một nhánh của người Mông sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước. Cái tên tộc người Thủy chỉ xuất hiện khi đến cư trú tại Việt Nam.
Cụ Bàn Văn Kim, thầy mo của người Thủy cho biết, người Thủy luôn có thần linh soi đường, mở lối, mách bảo mọi người tìm ra ánh sáng, lẽ phải ở đời. Bao đời nay thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như báu vật vô giá.
Cụ Kim lấy chiếc hòm đựng hòn đá - vật mà cụ nhận từ tiền nhân để lại. Hòn đá này chỉ những người uy tín mới được cất giữ. Hòn đá to chừng nắm tay, xù xì như bao hòn đá mà mọi người vẫn thấy dọc bờ sông, bờ suối. Chỉ khác một điều là nó có lỗ thủng, có thể xâu dây qua, treo lủng lẳng.
Hòn đá thiêng này gắn bó với cộng đồng người Thủy trong hành trình thiên di xuống phương Nam. Khi còn ở quê cũ, tộc Thủy sở hữu một hòn đá thiêng khác, có thần linh hộ mệnh, người Mông nước hùng cường, khiến nhiều tộc khác ghen tị. Biết đối thủ có bảo vật hộ thân nên một tộc khác đã cho gián điệp đánh cắp hòn đá rồi dùng tà thuật làm tan biến hết phép nhiệm màu. Đây được cho là nguyên nhân khiến người Mông nước suy vong, sau cùng phải từ bỏ mảnh đất đang gắn bó đi xuống phương Nam sinh sống.
Lễ cúng tiễn năm cũ, đón năm mới của dân tộc Thủy.
Tới quê hương mới, nguyện ước được sống dưới sự nhiệm màu, những thầy mo trong cộng đồng đã làm lễ tế linh đình khẩn xin thần linh trở lại. Để làm được việc này, mọi người trong tộc phải tìm hòn đá thiêng mới. Theo cụ Kim thì cha của cụ đã phải lặn lội vượt cả trăm ngọn núi, nghìn con đèo, lên đầu nguồn con suối có nước trong lành nhất, lựa những nơi không có dấu chân người để tìm. Khi tìm được rồi thì làm lễ rước thần linh vào ngự.
Đá thiêng giúp người Thủy vượt qua sóng gió, vận hạn. Và, dưới sự nhiệm màu của đá, con trâu thả trên rừng béo tròn, cây lúa cắm dưới ruộng trĩu bông, con cá thả dưới ao mau lớn. Không chỉ đem lại ấm no, an lành mà theo quan niệm của người Thủy, đá thiêng còn giúp dân làng chữa bệnh.
Trước khi về Tuyên Quang, người Thủy thường chọn các đỉnh núi làm nơi trú ẩn. Sống biệt lập nên tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra. Những năm 70 của thế kỷ trước, chính quyền địa phương đã vận động người Thủy xuống vùng thấp định cư. Sau nhiều lần vận động, lại thêm sự đồng thuận của thần linh nên mọi người quyết định xuống núi ở. Theo cụ Kim, đó là quyết định sáng suốt. Xuống núi, cộng đồng người Thủy đã thực sự hồi sinh.
Ánh sáng đã về
Giờ đây người dân tộc Thủy đã biết tăng gia sản xuất cải thiện đời sống hàng ngày.
Xuống núi, người Thủy học cách trồng cây lúa nước, học nuôi gia súc trong chuồng. Điều đặc biệt, bởi sống xen cư với các dân tộc khác nên vấn nạn hôn nhân cận huyết đã được bài trừ. Khi con đường nối liền thôn Thượng Minh với trung tâm xã được mở rộng, theo chân con em các dân tộc khác, trẻ em người Thủy cũng được ra xã học con chữ.
Theo các cụ ở thôn Thượng Minh thì người Thủy chăm chỉ học hành như chăm chỉ lên nương, xuống ruộng. Minh chứng là gia đình ông Lý Văn Ngọc có 4 người con đều dám vượt qua lời nguyền của núi rừng, tìm đến ánh sáng văn minh.
Nói tới vấn đề học hành, ông Mùng Văn Kiều và ông Mùng Văn Tình tự hào: “Trước đây, người Thủy chúng tôi làm gì có ai vượt qua được ngọn đồi, ngọn núi kia đâu. Thế mà bây giờ đã có người đi học về làm giáo viên, có người công tác tại xã. Nhiều con em đi ra ngoài làm ăn, nhờ đó mà đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể”.
Được biết, người đầu tiên của dân tộc Thủy dám vượt núi đi tìm con chữ là chị Lý Thị Toàn, con gái cả của ông Ngọc. Toàn sinh năm 1988, được đánh giá là hoa khôi của thôn. Do vậy, cô là trung tâm chú ý của nhiều trai làng. Thế nhưng, cô đã không nghe theo tiếng đàn Tính tha thiết của chàng trai người Tày, mắt không nhìn dáng hình dũng mãnh của chàng trai Pà Thẻn trong đêm nhảy lửa. Cô quyết dành tất cả cho việc học, chỉ có học mới khiến cô tìm được hạnh phúc cho mình.
Sau 2 năm chịu khó học tập, Toàn đã đậu tốt nghiệp hệ trung cấp, hiện đang công tác tại xã Hồng Quang. Nối tiếp người chị, sau bao năm dùi mài kinh sử, Lý Thị Hạnh, cô con gái thứ 2 của ông Ngọc, đã thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội). Việc học của 4 chị em Toàn là tấm gương cho nhiều gia đình học theo và giờ đây nhiều con em dân tộc Thủy đã vượt qua được những dãy núi, dãy đồi cao ngút.
Người dân không chỉ thay đổi về nhận thức, con trẻ được học hành, những ngày cuối năm 2015, chúng tôi về thôn Minh Thượng, mặc dù con đường từ trung tâm xã vào thôn còn xa, còn khó nhưng nhìn những ngôi nhà chắc chắn, những luống rau xanh, những chú lợn béo tròn, chúng tôi biết đời sống của người dân nơi đây đang ngày càng được cải thiện.
Và tương lai không xa, khi nhiều công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới được đầu tư xây dựng, chắc chắn bộ mặt thôn Thượng Minh sẽ có nhiều thay đổi, khi đó đời sống vật chất, tinh thần của người Thủy cũng sẽ bước sang trang mới.
Hoàng Văn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.