Sân bay Lũng Cò nay thuộc xã Minh Thanh (Sơn Dương - Tuyên Quang) dài 400m, rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh. Đây là sân bay đầu tiên do chính quân dân ta xây dựng và được coi là sân bay quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Máy bay của quân Đồng minh chuẩn bị hạ cánh năm 1945. (Ảnh tư liệu).
Đầu năm 1945, máy bay của trung úy Saw - phi công của lực lượng không quân Mỹ tại Côn Minh (Trung Quốc) bị lực lượng phòng không của Nhật bắn rơi, nhảy dù xuống Cao Bằng. Trung úy Saw được du kích ta cứu thoát và đưa về gặp Bác Hồ. Trước sự việc ấy cùng với sự ngỏ ý muốn đặt mối quan hệ với Mặt trận Việt Minh của tướng Sê-nôn (Tư lệnh Đoàn không quân số 14), Bác Hồ đồng ý đưa trung úy Saw sang Trung Quốc để trao trả cho quân Đồng minh.
Ngày 29/3/1945, tại Côn Minh, diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa Hồ Chí Minh - đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sê-nôn, Tư lệnh Đoàn không quân số 14. Trong buổi hội đàm, hai bên thỏa thuận: Về phía Việt Nam, sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; phía Mỹ có trách nhiệm đưa các phái đoàn sang giúp huấn luyện về quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Việc xây dựng một sân bay đảm bảo cho sự liên lạc giữa hai bên Việt - Mỹ cũng được đặt ra từ đây.
Diễn biến tình hình trong nước và thế giới thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển, thời cơ khởi nghĩa đến gần. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ rời căn cứ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi về Tân Trào, kế hoạch xây dựng một sân bay dã chiến để đón quân Đồng minh đã được Bác vạch ra.
Bước sang tháng 6/1945, trước sự tăng cường hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng minh, Bác chỉ đạo hai đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản chọn địa điểm và lập kế hoạch xây dựng sân bay; phối hợp với hai đồng chí còn có một thiếu tá quân sự Mỹ thuộc lực lượng Cứu trợ không quân Mỹ (AGAS). Nhận được chỉ thị, hai đồng chí cùng viên sỹ quan Mỹ lên Lũng Cò xem xét địa thế và chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng sân bay, vì ở Lũng Cò có một dải đất rộng chừng 4ha nằm giữa khe núi, bảo đảm cho các chuyến bay lên, xuống thuận tiện. Lũng Cò cách căn cứ Tân Trào không xa, do vậy. có thể dễ dàng đi lại vận chuyển hàng hóa.
Giữa tháng 6/1945, Bác Hồ lên Lũng Cò để xem xét địa điểm. Bác đồng ý cho xây dựng sân bay tại đây; cuối tháng 6/1945, qua liên lạc bằng điện đài giữa Bác Hồ và phái đoàn Đồng minh ở Côn Minh, Người đồng ý để một toán quân Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào huấn luyện cho ta về chiến thuật quân sự và cách sử dụng các loại vũ khí.
Ngày 16/7/1945, đội công tác đặc biệt mang biệt danh “Con nai” gồm 5 người do thiếu tá Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Đây là sự kiện đánh dấu bước quan trọng trong sự hợp tác Việt - Mỹ. Sự có mặt của đội “Con nai” và các tổ chức quân sự khác của Mỹ ở Tân Trào đặt ra yêu cầu phải đưa việc xây dựng sân bay vào thực tiễn.
Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã vận động nhân dân các xã: Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội tham gia xây dựng sân bay. Ban đầu mọi người dự định phải mất một tuần công việc mới hoàn tất, thế nhưng với tinh thần cố gắng nên chỉ sau 2 ngày phát dọn, san gạt, sân bay dã chiến đã hình thành. Sân bay có chiều dài 400m, chiều rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh được. Đây là sân bay đầu tiên do chính bàn tay của quân dân ta làm nên.
Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò có hai sỹ quan quân Đồng minh và một số lương thực, thuốc men tăng cường cho lực lượng quân Đồng minh tại Tân Trào. Trong lần hạ cánh đầu tiên, hai đồng chí Lê Giản, Đàm Quang Trung cùng với nhân dân địa phương tổ chức mít tinh chào mừng sự kiện này. Trong buổi mít tinh, mọi người hô vang khẩu hiệu hưởng ứng sự hợp tác giữa Việt Minh và quân Đồng minh trên mặt trận chống phát xít Nhật.
Trong suốt thời gian quân Đồng minh làm việc tại Tân Trào có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây. Nhiệm vụ chủ yếu của các chuyến bay là đưa đón quân Đồng minh cũng như vận chuyển cho ta thuốc men, vũ khí từ Côn Minh sang Tân Trào.
Cuối tháng 7/1945, Bác Hồ đã đến Lũng Cò và ở nhà ông Ma Văn Yến khoảng 10 ngày, để chỉ đạo việc tiếp đón, phục vụ các chuyến bay của quân Đồng minh; cùng đi với Bác có đồng chí Lê Giản và một tiểu đội cận vệ. Ở với Bác trong căn nhà này có 8 người lính Đồng minh, trong số những người lính Đồng minh có một người được đặt tên Việt Nam là Nguyễn, làm nhiệm vụ liên lạc vô tuyến điện khi máy bay hạ cánh.
Do có sự thay đổi, quân Đồng minh tại Côn Minh đã rút F.Tan là người lính Đồng minh phụ trách điện đài về nước. Ngày 21/7/1945, tại sân bay Lũng Cò, F.Tan đã lên máy bay trở về Côn Minh.
Khi tiến công đồn Nhật tại Tam Đảo, chúng ta đã giải phóng cho những người Pháp bị Nhật giam ở đây và đưa họ trở về sống tập trung tại một làng thuộc Tân Trào. Đến ngày 30/7/1945, những người Pháp, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, lên máy bay L5 từ Lũng Cò để trở về nước.
Chuyến bay cuối cùng tại sân bay Lũng Cò là chở Trung úy Keent, một sỹ quan tình báo OSS về nước, đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ tiễn khách. Sau khi nhận được những lời chúc tốt lành từ đồng chí Lê Giản, Trung úy Keent đáp lại: “Chiến tranh này với chúng tôi đã kết thúc, nhưng với các ông, một cuộc chiến tranh mới vô cùng gian khổ bắt đầu. Xin chúc các ông sẽ giành được thắng lợi huy hoàng”.
Trên thực tế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ ít lâu sau, cả dân tộc lại bước vào cuộc chiến đấu chống thực Pháp xâm lược. Hơn 70 năm trôi qua, mặt bằng sân bay đã không còn nhưng sân bay Lũng Cò sẽ mãi mãi là minh chứng lịch sử về tài năng, sự sáng tạo của người Việt trong gian khó, từ đó chiến thắng mọi kẻ thù.
Hoàng Văn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.