Trải qua mấy ngày lênh đênh trên biển để đến quần đảo Trường Sa, cuối cùng, Đoàn công tác số 14 đã đến đảo Sinh Tồn nằm chơ vơ giữa biển khơi. Đứng trên boong tàu nhìn vào đảo, Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác nhìn vào hòn đảo trầm ngâm: “Bà con mình luôn kiên gan bám đảo. Nhiều năm nay, họ cùng các sư thầy ở chùa Sinh Tồn sống cùng lính đảo rất kham khổ, khó khăn nhưng ai cũng quyết tâm bám đảo, bám biển, đáng khâm phục lắm”.
>> Đoàn công tác số 14 tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa
>> Tết thiếu nhi ở thị trấn Trường Sa
Toàn cảnh đảo Sinh Tồn nằm giữa biển khơi
Vừa bước chân xuống tàu thì đâu đó phát ra những tiếng chuông chùa vang lên làm chúng tôi có cảm giác nơi đây đã quá thân quen. Trong khi tôi chưa kịp định thần vì cảm giác bình yên mà khung cảnh nơi đây mang lại, thì Đại tá Phạm Văn Vững vỗ vai tôi và thúc giục: “Các đồng chí nhanh chân lên chùa để thắp nén nhang tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc”.
Cận cảnh đảo Sinh Tồn
Dọc theo những con đường bê tông, dưới những tán cây bàng rợp bóng mát, ngôi chùa hiện ra với dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn một số chùa ở Trường Sa và được xây dựng ở một vị trí trang trọng với diện tích khoảng 500m2. Chùa Sinh Tồn mang dáng dấp của một ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, gồm: 1 gian, 2 chái, tường trổ hoa, hệ thống sân, vườn rợp bóng phong ba, bàng vuông, cây bồ đề được trồng trong sân chùa... Và một điều đặc biệt đập vào mắt chúng tôi là bên trái sân chùa có một tấm bia tưởng niệm bằng đá granit đen vững chãi tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Phía trên bia này ghi dòng chữ: “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988”. Phía dưới là tên tuổi, quê quán của 64 liệt sĩ.
Đoàn công tác số 14 đến đảo Sinh Tồn thăm bà con và các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nơi đây
Còn nhớ, sau buổi làm lễ giỗ cho 64 liệt sĩ với một mâm cơm chay do người dân trên đảo nấu và đưa vào chùa cúng diễn ra vào năm 2013, tại đây, Đại đức Thích Minh Huy, Trụ trì chùa Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng tấm bia tưởng niệm này. Thầy đã đặt bia này từ đất liền mang ra đảo và khánh thành vào ngày 27-7-2013.
Cổng chùa Sinh Tồn
Đại đức Thích Minh Huy chia sẻ: Tấm bia là nơi để cán bộ, nhân dân trên đảo và nhân dân từ đất liền ra thắp nhang tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây cũng là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo đều đến chùa thắp hương cầu nguyện cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Đại đức Thích Minh Huy, Trụ trì chùa Sinh Tồn cùng tác giả
“Cha ông đã hy sinh để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng này. Hiện nay, chúng ta tiếp tục công việc này là để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi nguyện là những người kế tiếp, toàn ý sống còn với mảnh đất mà cha ông đã gìn giữ. Trách nhiệm đó không chỉ của tăng ni Phật giáo mà còn là trách nhiệm của tất cả đạo hữu các tôn giáo và nhân dân Việt Nam với quyết tâm gìn giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”, Đại đức Thích Minh Huy nói.
Tấm bia tưởng niệm bằng đá granit đen vững chãi tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến Gạc Ma
Cứ vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, nhân dân trên đảo Sinh Tồn lại đến chùa thắp hương, bái Phật và cầu khấn cho anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đến ngày giỗ các anh, người dân trên đảo nấu các món chay mang vào chùa làm lễ cúng.
Chị Lê Thị Phương Trinh (quê Cam Ranh, Khánh Hòa) nhận định, công ơn các anh hùng liệt sĩ rất to lớn, góp phần cho chúng ta có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. “Là những người dân sống trên đảo Sinh Tồn, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đời sống của chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của các anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Mỗi lần làm giỗ cho các anh, tôi và người dân nơi dây đều làm giỗ với tấm lòng thần kín, biết ơn sâu sắc”, chị Phương Trinh nói.
Tác giả cùng Đại tá Phạm Văn Vững chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sinh Tồn
Còn chị Huỳnh Thị Tuyết cho biết thêm, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, mọi người cảm thấy ấm lòng hơn và thấy đất liền như gần với mình hơn. Từ đó, quân dân trên đảo đoàn kết một lòng thi đua lao động sản xuất, nguyện bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.
Đại đức Thích Minh Huy, Trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ: “Việc xây dựng chùa trên đảo Sinh Tồn nói riêng và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa nói chung là tất yếu, bởi chùa luôn là biểu hiện sinh động trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm cho đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo ấm áp hơn, gần gũi hơn với đất liền. Ở đâu có chùa thì ở đó có dân. Chính vì thế chúng tôi luôn theo lời Phật dạy hàng ngày thắp nhang, đọc kinh cầu mong quốc thái dân an”.
Đứng trước hàng quân đang lần lượt lên tàu, các sư thầy và người dân nơi đây trao những cái bắt tay, cái ôm ấm áp, tiếng cười và lời cảm ơn trao nhau không dứt, ánh mắt ánh lên nỗi niềm muốn gửi đến đoàn công tác chúng tôi: “Các anh, chị về đất liền mạnh khỏe. Chúng tôi nguyện ở lại với quyết tâm gìn giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.
Tạm biệt các cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tiếp tục theo hải trình của đoàn công tác
Tàu của đoàn công tác số 14 của chúng tôi vừa rời bến thì tiếng chuông chùa vang lên như thức tỉnh tâm hồn con người hướng về sự bao dung, độ lượng cũng như nhắc nhở những người con Việt Nam phải hướng về quê hương, về cội nguồn dân tộc để vững tâm giữ gìn từng tấc đất Tổ quốc, khiến tâm trạng đoàn chúng tôi ùa về tràn đầy xúc động./.
Hiện nay, huyện đảo Trường Sa có 6 ngôi chùa, tọa lạc trên các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh. Tất cả các chùa đều có trụ trì. Ngày ngày, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo đều đến thắp hương cầu nguyện cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Minh Tuấn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.