Ngày 25-12, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016.
Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách chỉ đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ và đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành của trung ương và địa phương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2015, các cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 70.870 vụ án (giảm 8,5% so với năm 2014). Trong khi đó, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội; tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng; xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định về an toàn lao động, an toàn giao thông gây thiệt hại lớn về người, tài sản…
Cũng trong năm 2015, ngành Kiểm sát nhân dân giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 92,4% (tăng 0,35% so với năm 2014). Qua công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát các cấp đã yêu cầu khởi tố hơn 440 vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 25 vụ, hủy 46 quyết định không khởi tố vụ án, 72 quyết định khởi tố vụ án chưa đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, góp phần hạn chế oan sai và chống bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân cả nước trong năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014. Trong tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của ngành Kiểm sát nhân dân như: vẫn còn tình trạng chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm; phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do do hành vi của bị can chưa đủ cấu thành tội phạm; việc truy tố còn thiếu sót, dẫn đến phải hủy án để điều tra lại, Viện Kiểm sát truy tố, nhưng Tòa xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, vụ án kéo dài thời hạn giải quyết, còn để xảy ra một số trường hợp oan sai, chưa kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, một số cán bộ có sai phạm phải xử lý kỷ luật. Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần nghiêm túc, thẳng thắn phân tích kỹ những hạn chế, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát trong năm 2016 cần phải làm tốt hơn nữa những công việc của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là những chủ trương, đường lối về lĩnh vực tư pháp và về cải cách tư pháp; tổ chức quán triệt, triển khai thi hành luật, sớm đưa các nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đồng thời đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014. Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; không để xảy ra quá hạn tạm giữ, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không phạm tội; truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; ngăn chặn kịp thời những trường hợp lạm quyền, xâm phạm các quyền của công dân; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; khắc phục tình trạng để án tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết...
Đồng thời, thông qua thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân phải tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... Đây là trách nhiệm chính trị lớn lao của Ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Quang Minh
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.