Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 9 năm 2017 | 4:15

Cơ sở giết mổ bơm thuốc an thần vào hàng ngàn con heo

TP.HCM bắt quả tang cơ sở giết mổ bơm thuốc an thần vào heo (lợn); phát hiện 133 cơ sở sản xuất bánh Trung thu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Đà Nẵng xử phạt 8 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm... là những thông tin nóng về VSATTP trong tuần.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN – PTNT, vụ việc phát hiện được do nguồn tin từ người dân cung cấp. Sau hơn 1 tháng các trinh sát “nằm vùng” để tìm hiểu cách thức, cũng như hoạt động của các đối tượng tiêm thuốc an thần vào cho heo ở cơ sở giết mổ. Đến tối 28 – 9, Đoàn liên ngành đã ập vào kiểm tra phát hiện 2 người đang tiêm thuốc an thần vào heo để gây ngủ, không bị ức chế thần kinh nên tiến hành kiểm tra toàn bộ lượng heo trong cơ sở giết mổ.

Lợn bị tiêm thuốc an thần nằm la liệt

Vào thời điểm trên, cơ sở giết mổ Xuyên Á mới nhập vào 5031 con và còn 200 con tồn trước đó. Lực lượng tiến hành kiểm tra 149 nước tiểu trên con heo và lấy 4 mẫu thuốc để xét nghiệm.

Theo khuyến cáo chung, phải ngưng dùng thuốc an thần  trong vòng 5 - 7 ngày trước khi xẻ thịt con vật thì mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Còn khi heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cụ thể, nếu ăn phải thịt heo được tiêm thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, tăng cân, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...

Đặc biệt, khi lượng thuốc này tồn đọng lâu ngày trong người sẽ có nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu rất nguy hiểm.

Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già và trẻ em.

Mặc dù những tác hại trên của thuốc an thần đối với sức khỏe con người khi sử dụng thực phẩm có chất này đã được cảnh báo và cấm sử dụng trong hơn 2 năm qua, kể từ khi phát hiện thương lái sử dụng thuốc an thần Prozil, Combistress, vậy nhưng các chủ lò mổ vẫn tiếp tục sử dụng với quy mô lớn.

Đó là bởi khi heo được tiêm thuốc Combistress vào trước khi giết mổ sẽ làm cho thịt có màu sắc thật bắt mắt, đỏ tươi hơn bình thường, luôn tươi dẻo - hình thức sản phẩm thịt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Do đó, đây cũng là cách nhận biết thịt có tiêm thuốc an thần: luôn đỏ tươi như thịt bò, miếng thịt ướt và khi chế biến thịt ra nhiều nước.

“Các đối tượng tiêm thuốc rất chuyên nghiệp theo kiểu “tự động”. Kim tiêm được nối trực tiếp với chai dung dịch để chích liên tục thay vì bơm từng ống. Qua xét nghiệm, có 13/21 thương lái với tổng số 3.750 con heo dương tính với thuốc an thần có hoạt chất gây ngủ. Chai thuốc an thần mang đi xét nghiệm có hàm lượng Acepromazine 0,47 – 0,51 mg/ml so với quy định của Bộ Y tế chỉ 0,60mg/ml là quá cao,” ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo quy định xử phạt hành chính thì mức phạt với hành vi tiêm thuốc nguy hiểm vào con heo có mức phạt từ 30 – 30 triệu đồng/đối tượng. Trong đó có 2/13 thương lái cam kết không thực hiện tiêm thuốc an thần nhưng xét nghiệm có kết quả dương tính nên bị phạt mức cao nhất. Đồng thời, Chi cục Thú y TPHCM đề nghị, cơ sở giết mổ cắt hợp đồng đối với 2 thương lái này.

Do thuốc an thần này nhập từ nước ngoài có công dụng 24 tiếng. Nên chiều nay, Đoàn tiến hành kiểm tra lại các con heo đang được nuôi tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, nếu không còn dương tính sẽ được giết mổ.

Theo Cục Thú Y, heo được chích thuốc an thần để trong lúc vận chuyển sẽ ngủ li bì tránh tình trạng heo bị sốc, ngộp dẫn đến chết hoặc không cắn nhau tạo vết trầy xước trên da. Đồng thời, thịt heo sẽ đỏ, mềm dẻo, nhất là phần đùi. Nhưng đối với người tiêu dùng sử dụng heo bị chích thuốc an thần thời gian dài sẽ bị mắc bệnh tiêu hóa, thận, thần kinh và run tay chân…

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y TPHCM tự nhận khuyết điểm nhân viên vẫn còn yếu kém trong việc kiểm tra. Trước kia, các đối tượng chỉ tiêm thuốc cho heo trước lúc vận chuyển nhưng nay tinh vi hơn là tiêm thuốc an thần trong lúc nhốt tại khu lưu trữ của cơ sở giết mổ Xuyên Á. Cụ thể, tại cơ sở giết mổ Xuyên Á có 17 nhân viên làm việc đầy đủ từ 22 tới sáng. Các thời gian còn lại chỉ có xe nhập heo vào cơ sở giết mổ nên lực lượng Thú y chỉ có 7 người kiểm tra với khối lượng công việc rất nhiều như giấy tờ và bằng cảm quan như tình trạng con heo. Bên cạnh đó, khu lưu trữ heo nằm khuất sâu bên trong và khi có lực lượng chức năng vào thì dùng thanh sắt “đánh vào chuồng” để cảnh giới.  Hơn 1 tháng theo dõi, cảnh sát có thể phát hiện nhân viên thú y có hành vi tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm. Nếu như cơ quan công an cung cấp nhân viên sai phạm thì Chi cục sẽ có hình thức xử lý theo quy định.

Phát hiện 133 cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Công Thương vừa có kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2017 tại thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

Đoàn kiểm tra do Cục Quản lý thị trường chủ trì, thành viên gồm đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia – Bộ Y tế, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố và kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng

Trong đợt kiểm tra này, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã thành lập 657 đoàn kiểm tra, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 785 cơ sở. Kết quả có 133 cơ sở vi phạm và 50 cơ sở bị xử lý, 17 cơ sở bị cảnh báo, 2 cơ sở bị tiêu huỷ sản phẩm.

Hiện Đoàn kiểm tra đang hoàn thiện hồ sơ thanh tra, kiểm tra 83 cơ sở, xét nghiệm labo 162 mẫu, kết quả 8/8 mẫu bánh trung thu có kết quả đạt, số mẫu còn lại chưa có kết quả.

Tại Hà Nội, Đoàn liên ngành kiểm tra 04 cơ sở gồm: Công ty Cổ phần Bánh Ngọt Anh Hòa (địa chỉ số 55 Khuất Duy Tiến); Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh; Công ty TNHH Hải Hà - Kotobuki; Công ty TNHH Khách sạn Hà Nội Fortuna. Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản các cơ sở có ý thức tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm tồn tại như: Tại Công ty Cổ phần Bánh Ngọt Anh Hòa (địa chỉ số 55 Khuất Duy Tiến), một số nhân viên không đeo khẩu trang, chưa vệ sinh nền nhà kịp thời sau khi sản xuất. Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh có một số thùng hàng lỗi trả lại để lẫn với khu vực thành phẩm, một số nhân viên không đeo găng tay trong phòng đóng thành phẩm.

Tại Hải Phòng, Đoàn liên ngành kiểm tra 04 cơ sở gồm: Chi nhánh Công ty TNHH MTV TM Đầu tư Phát triển đô thị - Cửa hàng số 2, Công ty CP khu du lịch đảo Cát Bà, Công ty TNHH TM Như Ý - Cát Tường, Công ty TNHH Bánh Mứt Thanh Lịch.

Các cơ sở có ý thức tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm tồn tại như: tại Công ty TNHH TM Như Ý - Cát Tường, một số nhân viên không đeo găng tay trong khâu đóng thành phẩm.

Đoàn công tác số 2 đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ tuyến thành phố đến tuyến huyện, xã. Đặc biệt chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm...

Đà Nẵng: Xử phạt 8 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Thực hiện yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng về đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 tiến hành kiểm tra 19 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do ngành Công Thương quản lý, đồng thời lấy 59 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP gồm có 24 mẫu bánh; 15 mẫu kem; 8 mẫu rượu; 5 mẫu thịt bò khô; 5 mẫu chả; 1 mẫu sữa bắp; 1 mẫu giò lụa.

Đà Nẵng tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Qua kiểm tra, 8/19 cơ sở có kết quả kiểm nghiệm không đạt yêu cầu theo quy định gồm Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (số 06 Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vi phạm: cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng; Sản xuất thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Bị xử phạt tổng số tiền 11 triệu đồng. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thủ Đô (lô 11AP1 đường số 5, KCN Đà Nẵng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) sản xuất thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm, bị phạt 3,5 triệu đồng. Công ty TNHH Miền Trung 24H - Chi nhánh Đà Nẵng (617 Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê) bán hàng hóa, sản phẩm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, bị phạt hơn 2,2 triệu đồng. Công ty TNHH Thực phẩm Xanh Anh Tường (128 Bà Huyện Thanh Quan, quận Ngũ Hành Sơn) sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, bị phạt 1,5 triệu đồng và Công ty TNHH Hà Thi Thảo (158 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, bị phạt 1,5 triệu đồng. Tổng số tiền phạt vi phạm trên 19,7 triệu đồng.

17/59 mẫu kiểm nghiệm (6/24 mẫu bánh; 1/1 mẫu sữa bắp; 1/5 mẫu chả; 2/5 mẫu bò khô; 7/15 mẫu kem) vi phạm gồm: 1/5 mẫu chả và 1/5 mẫu thịt bò khô phát hiện có sử dụng chất cấm hàn the, 1/5 mẫu thịt bò khô phát hiện có sử dụng phụ gia natri benzoat; 6/24 mẫu bánh có các chỉ tiêu vi sinh điển hình như: Coliforms, tổng số vi sinh vật hiếu khí, tổng số bào tử nấm men - nấm mốc, Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng); Bacillus cereus vượt ngưỡng cho phép; 1/1 mẫu sữa bắp có chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí, coliforms vượt ngưỡng cho phép; 1/1 mẫu kem có chỉ tiêu chất tạo ngọt tính theo acid cyclamic vượt ngưỡng cho phép; 6/15 mẫu kem có chỉ tiêu vi sinh vật Enterobacteriace vượt ngưỡng cho phép.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, đối với các vi phạm cơ quan chức năng  đã có văn bản yêu cầu các cơ sở này khắc phục về các điều kiện về an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm lại các chỉ tiêu vi phạm, báo cáo kết quả về Sở Công Thương. Sở cũng có văn bản chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thu giữ hơn 3,2 tấn chim cút thối trên đường đi tiêu thụ

Mới đây, Đoàn liên ngành phòng chống dịch gia súc, gia cầm TP.HCM (đoàn số 2) đã phối hợp cùng những bên liên quan phát hiện và tạm giữ 3,2 tấn chim cút thối đang trên đường đi tiêu thụ.

Chim cút thối đang trên đường đi tiêu thụ bị thu giữ

Trước đó, ngày 22/9, đoàn kiểm tra phát hiện xe tải loại 3,5 tấn BS 63C - 033.96 lưu thông hướng từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thanh về cầu Phú Mỹ có biểu hiện chở gia cầm nên tiến hành dừng xe kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 72 thùng xốp, mỗi thùng nặng 45 kg (tổng cộng khoảng 3,2 tấn) chim cút được giết, đánh lông và ướp đá.

Tài xế Nguyễn Văn Tâm (31 tuổi, quê Tiền Giang) không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến lô thịt chim cút nói trên.

Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử phạt và xử lý theo quy định của pháp luật với lô thịt chim cút này.

Bảo Yên: Thu giữ trên 60 thùng rau, quả nhập lậu

Hoa quả không rõ nguồn gố bị thu giữ tại Bảo Yên

Chiều 21/9, tại thị trấn Phố Ràng, Công an huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã phát hiện một số người dùng xe ô tô tải biển kiểm soát 21C -  048.70 chở hàng đến giao rau, quả tại chợ Phố Ràng. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trên xe chở 30 hộp nho, 23 hộp quả lê, 8 hộp quả lựu và một số hộp cà chua, cải bắp. Tất cả các hộp đựng quả và rau phía ngoài đều in chữ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, Đào Thị Anh, sinh năm 1986, trú tại xã Bảo Ái, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, chủ số hàng trên đã không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc lô hàng.

Hiện, Công an huyện Bảo Yên đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top