Theo thống kê, nhiều vụ cháy thời gian qua liên quan tới chập điện do dùng thiết bị điện trôi nổi, không kiểm tra, bảo trì hệ thống điện thường xuyên hay thói quen dùng điện không an toàn...
Vi phạm các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy
Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào mùa nắng nóng, tình trạng cháy nổ đang là nỗi lo lắng bất an của người dân. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn (CNCH) cho biết, có 3 nguyên nhân gây ra cháy nổ hệ thống điện: chập mạch, quá tải, điện trở lớn.
Để xảy ra 3 nguyên nhân trên thì lý do là vi phạm các nguyên tắc trong phòng cháy chữa cháy: đấu nối dây dẫn điện không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật điện, lắp đặt các thiết bị, đồ dùng điện có công suất tiêu thụ lớn như máy điều hoà nhiệt độ, bình nước nóng, bếp điện làm tăng công suất tiêu thụ điện dẫn đến quá tải, chập mạch.
Các thiết bị điện kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cũng là mối hoạ lớn với người tiêu dùng.
Các thiết bị điện đã cũ, dây đã lão hoá nhưng không được kiểm tra và thay thế kịp thời cũng dễ chập mạch phát nổ gây hoả hoạn.
Một nguyên nhân không mong muốn khác đến từ người sử dụng điện: Ấm nước để quên trên bếp đến khô cạn dẫn đến hiện tượng nhôm chảy lỏng gây chập điện; Bàn là quần áo để quên không rút phích điện cũng dẫn đến cháy điện; Để các thiết bị điện gần những nơi ẩm ướt, không bọc an toàn dẫn đến ẩm ướt gây cháy nổ nguồn điện.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng cho biết, có tới 70% các vụ cháy là do chập điện.
“Năm 2019 một vụ cháy do chập điện tại Hà Nội thiêu rụi gần 1.000m2 diện tích và chết 8 người, năm 2020 cháy 5.000m2 nhà xưởng, thiệt hại hơn 130 tỉ đồng cũng do chập điện. Gần đây nhất vụ cháy chung cư Carina cũng cháy do chập điện (cháy điện xe máy) tại tầng hầm.
Trước tiên, ngay từ khi lắp đặt hệ thống điện, người dân phải có tính toán thiết kế đúng tiêu chuẩn, đúng công suất tiêu thụ. Đồng thời phải lựa chọn đúng các thiết bị, dây dẫn chất lượng. Đừng vì tiết kiệm một chút tiền mà đánh đổi cơ nghiệp bao nhiêu năm, cả đời tích góp. Quan trọng hơn cả là mạng sống của chính mình", ông Trưởng nói.
Hay mới đây nhất là vụ hoả hoạn xảy ra tại số 311 phố Tôn Đức Thắng khiến 4 người trong cùng gia đình tử vong. Qua xác định ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do chập điện.
Tại hội thảo, ông Trưởng đề nghị ngành điện khuyến cáo người dân lắp thiết bị ngắt mạch chống cháy trên đường nguồn. Khi có sự cố nhỏ sẽ ngắt điện trước khi chập mạch quá tải. Các thiết bị điện đa số nằm âm tường nên khó phát hiện, do đó gắn thiết bị này rất cần thiết.
Ưu tiên sử dụng thiết bị điện chịu nhiệt
Theo đánh giá của các chuyên gia về điện, các vụ cháy do chập điện thường chỉ xảy ra trong tích tắc. Chập điện gây ra các tia lửa điện làm các thiết bị điện bị bắt lửa rồi cháy lan ra các vật liệu khác trong nhà.
Nếu ngay từ đầu người dân dùng các thiết bị điện chịu được nhiệt độ cao thì đã giảm bớt được mầm mống các đám cháy. Khi có mùi khét do các thiết bị này chảy ra, người dân sẽ kịp phát hiện trước khi ngọn lửa bùng lên.
Theo bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê - Giám đốc điều hành khối dịch vụ Công ty Điện Quang, cần phải chú ý ngay từ khâu lựa chọn thiết bị điện để thi công nhà cửa. Khi lựa chọn sử dụng những thiết bị điện thuộc thương hiệu lớn, uy tín không chỉ đảm bảo an toàn về điện mà còn tiết kiệm điện, hiện đại nhưng không hại điện.
Người dân nên chọn các thiết bị điện hoặc gia dụng làm bằng nhựa chống cháy, nhựa chịu nhiệt hay các sản phẩm có những tính năng an toàn, ngắt điện khi có sự cố xảy ra.
"Ngoài lựa chọn thiết bị điện tốt, người dân cần thay đổi hành vi sử dụng thì mới mang lại hiệu quả cao. Người dân nên sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu.
Cụ thể, hãy tắt hết các thiết bị điện trong nhà, văn phòng, nhà máy... khi không có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí điện và giảm nguy cơ các sự cố điện có thể xảy ra. Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để hạn chế việc sử dụng điện", bà Quỳnh nói.
Một yếu tố mà ít người chú ý là vấn đề dây dẫn. Người dân thường theo thói quen mua dây điện về đấu nối và nghĩ rằng dây nào cũng vậy, không quan tâm tới các thông số. Việc này ngoài gây lãng phí còn có thể gây cháy nổ nếu lựa phải loại dây kém chất lượng.
Ông Nguyễn Tùng Minh - giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) - cho biết khi lựa chọn dây cáp điện để thi công nhà cửa, các công trình, chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố như điều kiện và phương pháp lắp đặt, điện áp, dòng điện định mức, chiều dài đi dây, độ sụt áp trên đường dây. Người dân nên lựa chọn các loại dây dẫn có thương hiệu, thông số rõ ràng để đảm bảo an toàn.
"Đặc biệt, tôi thấy nhiều dây dẫn có lớp cách điện không đạt chất lượng (nhựa tái sinh, nhựa chất lượng kém...) gây nứt khi uốn, lắp đặt âm tường và giòn nứt làm hở ruột dẫn gây nguy hiểm cho con người. Lúc này nguy cơ chạm chập, cháy nổ rất dễ xảy ra", ông Minh nói.
Qua những đánh giá của cơ quan chức năng, có thể thấy việc lựa chọn những thiết bị điện an toàn, đấu nối dây dẫn đúng nguyên tắc, tập thói quen sử dụng điện an toàn rất quan trọng. Làm được những việc này người dân đã đặt được nền móng bảo vệ an toàn cho gia đình mình.
Thoát hiểm khi có sự cố
Song song với tuyên truyền mạnh những giải pháp phòng, chống sự cố cháy nổ, liên tục trong mua nắng nóng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân lưu ý về phương pháp thoát hiểm khi sự cố cháy xảy ra. Điểm chung của các vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng về người thời gian qua là nạn nhân không thể thoát hiểm khi có sự cố. Ví dụ như trong vụ cháy căn nhà ở thành phố Thủ Đức, gia đình đã để vật dụng (5 xe máy) chắn lối thoát nạn, dẫn đến khi xảy ra cháy không thể thoát thân.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau: Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ. Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu, đồng thời gọi ngay cho lực lượng chức năng theo số điện thoại 114 hoặc qua ứng dụng Help 114 trên điện thoại.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…
Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể. Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.