Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 8 năm 2022 | 22:4

Công điện về ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

kon-tum.jpg
 Ảnh nguồn: Internet

 

Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Vật lý Địa cầu. 

Công điện nêu rõ:

Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất, dư chấn động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó phù hợp.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam

a) Tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.

b) Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.

6. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top