Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 7 năm 2016 | 11:0

Công ty số 6 Điện Biên ngang nhiên “ăn cắp” sỏi dưới lòng sông, suối

Suốt một thời gian dài, tình trạng khai thác vật liệu xây dựng ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên diễn ra ngang nhiên và công khai, thậm chí có phần thách thức chính quyền. Cát, sỏi được xúc, hút từ lòng sông lên, rồi được mang bán vào các công trình xây dựng. Tiền thì vào túi cá nhân, còn lãnh đạo địa phương có dấu hiệu bao che, bao biện cho sai phạm. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm ở một số điểm nóng như khu vực khai thác sỏi ở đầu thị trấn Nậm Pồ và khai thác cát ở xã Si Pa Phìn!


Khu bãi cát đang khai thác dưới lòng sông ở xã Si Pa Phìn.

Trao đổi với những người dân địa phương đang sinh sống trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, phóng viên được biết: thời gian qua nạn khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Nậm Pồ khá phổ biến và táo tợn, đầy thách thức. Điển hình như nạn khai thác sỏi dưới lòng sông để nghiền nhỏ thành đá 1x2 mang đi làm đường, đổ công trình.


Đống sỏi tập kết trước khi nghiền.

Trong vai nhà thầu cần mua sỏi nghiền, phóng viên thâm nhập vào một trạm nghiền đang hoạt động ngay đầu thị trấn Nậm Pồ, một công nhân đang vận hành máy nghiền sỏi ở đây cho biết: khu khai thác này là của ông Giang, Công ty số 6. “Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy máy móc đang ồ ạt xúc những cục sỏi suối lớn, cho lên xe tải chở lên bãi để nghiền. Lần dở tài liệu, phóng viên phát hiện ra việc khai thác khoáng sản của Công ty số 6 còn có nhiều uẩn khúc ở một số địa bàn khác trên tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, không bao giờ thấy doanh nghiệp này bị “sờ gáy”. Đó cũng là một điều khó hiểu ở đây.


Khai thác rất “công nghiệp”.

Liên hệ với ông Giang, Giám đốc của Doanh nghiệp số 6 Điện Biên, với lý do đang tháp tùng “sếp lớn” đi họp, ông Giang từ chối trả lời báo chí về vấn đề phóng viên muốn tìm hiểu.

Tiếp tục điều tra về nạn khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Si Pa Phìn, trao đổi với phóng viên, chị Nhâm, một người dân sinh sống ở bản Tân Phong cho biết: trên địa bàn xã Si Pa Phìn hiện tại đang có 2 “ông trùm” khai thác cát tên là Cương và Kiên. Lúc đầu, 2 vị này làm ăn cùng với nhau. Sau vài năm làm ăn thì nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc do ăn chia không đều nên cả hai “đường ai nấy đi”. Giờ thì mỗi đoạn sông mọc lên một bãi. Thẳng thắn tố cáo, chị Nhâm cho biết: lúc trước, vợ chồng chị cũng đi làm cho nhà ông Cương, sau bị ép nên phải “bật”. Thực tế, khu vực bãi đó không phải là của ai. Đất của nhà nước, nhưng họ cứ làm. Chủ tịch xã thì không nói gì. Bởi vậy, cả khu vực này đều phải mua cát của họ để xây dựng. Từ chỗ làm ít, giờ họ làm kiểu “công nghiệp” rồi. Họ mua cả ô tô, máy xúc, máy hút, dàn sàng ầm ĩ suốt đêm ngày mà không sợ ai.


Máy xúc bới móc dưới lòng suối.

Chị Nhâm cũng dẫn phóng viên ra hẳn căn nhà của ông Cương, một chủ khai thác cát. Đứng ngoài quan sát, phóng viên thấy đây là một trong những căn nhà vào loại to nhất ở cái xã nghèo vùng biên này. Nếu làm ăn chính đáng như bao người dân khác thì khó có cuộc sống “giàu có” đến vậy.


Căn nhà của “ông trùm” đá sỏi tên Cương ở Nậm Pồ.

Chị Chu Minh Nguyệt, nguyên là người lao động ở Công ty CP Lâm Biên bức xúc cho biết: khu mỏ cát đó nguyên là thuộc phạm vi đất của Công ty Lâm Biên. Lúc trước còn làm ở đó, chúng tôi không cho ai khai thác cả vì sợ sạt lở đường. Nhưng giờ thì họ rất quá thể, suốt ngày đào hút. Chị Nguyệt cũng đặt dấu hỏi: “Có hay không việc bao che, làm ăn bậy bạ ở đây?”

Qua điều tra, phóng viên được người dân địa phương cho biết: giá cát xây dựng ở đây được bán khoảng 300ngàn/m3. Do khan hiếm cát, bởi phải chở từ Điện Biên lên nên một số chủ thầu hay trà trộn cát ở đây với cát chở lên để xây dựng nhằm làm giảm giá thành. Bởi vậy, cả 2 bãi cát này đều hoạt động rầm rộ suốt đêm ngày.

Mang những bức xúc, khó hiểu về tình trạng trên đến UBND huyện Nậm Pồ, một lãnh đạo huyện vừa nói, vừa “hoa tay, múa chân” cho biết: việc khai thác cát ở khu vực xã Si Pa Phìn là do nhà ông chủ tịch xã đó cần làm mô hình vườn ao chuồng nên chúng tôi khuyến khích họ. Lý giải về việc xúc sỏi của Công ty số 6 đi nghiền, vị lãnh đạo này lại cho rằng họ tận thu. Để có hàng trăm khối sỏi nghiền đó, họ thuê dân đi... mót, bất biết các quy định về khai thác khoáng sản cũng như Luật Bảo vệ môi trường.


Bãi nghiền sỏi của Công ty số 6.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: việc khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường là cần thiết. Làm cái gì cũng phải có giấy phép chứ không thể cứ thích là làm, là tận thu được. Bởi vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Điên Biên cần phải làm nghiêm hơn là bao biện, làm trái luật. Nạn khai thác cát, sỏi ở huyện Nậm Pồ cần sớm phải được chấn chỉnh trước khi quá muộn...

Đức Hải – Nam Long/Xây dựng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top