Đúng vào giờ phút giao thừa của 50 năm trước, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bài thơ chúc Tết đồng bào và chiến sỹ cả nước xuân 1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt nổ súng tấn công vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò mang tính bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.
Bước ngoặt lịch sử
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến dịch Mậu Thân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cuộc tổng tấn công và nổi dậy này đã quyết định toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ; buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân 1968 là một minh chứng khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh, làm thất bại chiến lược của Mỹ.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng sáng 31 tháng 1 năm 1968 (đêm mồng một Tết Mậu Thân). Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quân lỵ, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn. Hiệu lệnh mở màn là bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta..
“Thắng lợi của cuộc tổng tiến công đã khẳng định được bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật chọn hướng, mục tiêu và nghi binh lừa địch; nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới dành thế bất ngờ, nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn - Gia Định Mậu Thân 1968 đã tiêu hao một lực lượng lớn của Mỹ - Ngụy, góp phần làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy. Từ đó, tạo ra một cục diện mới ở chiến trường miền Nam theo hướng “chuyển chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.
Cuộc tổng công kích đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng Biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù trong đô thị, nơi đầu não của chế độ cũ, có hiệu suất chiến đấu cao, tận dụng được thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân.
Bản anh hùng ca bất tử
Những ngày này, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), diễn ra cuộc trưng bày về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 với chủ đề: “Âm vang anh hùng ca”, tái hiện toàn bộ cuộc tổng tiến công xuân 1968 bằng hình ảnh và sơ đồ chiến thuật.
Đứng trước những bức ảnh tái hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, ông Nguyễn Văn Lâm, 75 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong năm 1967, đất nước ta có một sự biến động rất lạ thường, tất cả thanh niên ở miền Bắc được gọi tên lên đường nhập ngũ, chi viện cho chiến trường Miền Nam, lớp chúng tôi cũng nằm trong số đó.
Thời điểm đó, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc rất dữ dội, hòng phá hủy các nhà máy sản xuất, đường sá, cầu cống của chúng ta. Nhưng những cuộc công kích đó đều thất bại, nhà máy của chúng ta không bị phá hủy nhiều vì chúng ta đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Năm đó là Tết Mậu Thân 1968, người dân vẫn sắm sửa chuẩn bị cho một năm mới sắp bắt đầu, nhưng có cái gì đó rất lạ, mọi người vừa đi sắm Tết nhưng lại vừa hồi hộp mong chờ. Đài Tiếng nói Việt Nam vừa dứt lời chúc Tết của Bác Hồ với nhân dân cả nước thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam bắt đầu.
Bác Lâm cho biết, nếu không có cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, không có chiến thắng Điện Biên Phủ trên không thì không biết nhân dân chúng ta còn phải chịu đựng chiến tranh đến bao giờ.
Không chỉ có ông Lâm mà những vị khách đến đây tham quan đều có chung một cảm xúc như vậy. Chia sẻ với chúng tôi, các thế hệ cha ông đi trước sau khi xem lại những hình ảnh rất cảm động nhưng vô cùng hào hùng, anh dũng của quân và dân miền Nam đều cho rằng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 thực sự là một bản anh hùng ca của dân tộc.
Chiến thắng này và chiến thắng 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội là đòn quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, để rồi sau đó 2 năm sau, năm 1975, chúng ta đã giành được độc lập tự do, non sông thu về một mối bằng chiến thắng 30/4 lịch sử.
Ngọc Thủy
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.