Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2016 | 3:15

Đại biểu băn khoăn với nhiệm kỳ của Chủ tịch nước

Thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) băn khoăn trong nhiều mặt hoạt động, chưa thật sự thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước đối với nhiệm vụ đối nội, cũng như đối ngoại.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định)

Đại biểu Sơn đánh giá, Hiến pháp 2013 của chúng ta đã cụ thể hóa thêm một bước chế định Chủ tịch nước với những nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng khá rõ ràng. Trên cơ sở đó Chủ tịch nước nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp. Trong Báo cáo nổi lên 3 điểm sáng như sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực tư pháp. Với cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và thể chế hóa những quy định của pháp luật để xây dựng hệ thống tư pháp của nước ta ngày càng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của thực tế hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Chủ tịch nước rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Thứ hai, cùng với hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hình ảnh đất nước Việt Nam, Tổ quốc ta ngày càng được khẳng định ở khu vực cũng như trên trường thế giới. Đúng như lời của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu tại Quốc hội chúng ta. Việt Nam tuy là một đất nước còn khó khăn nhưng càng ngày càng chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.

Thứ ba, trong hoạt động thực tiễn của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã thể hiện là những vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước quan tâm, gần gũi với nhân dân, luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân, đặc biệt nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Quan tâm từ việc nâng cao đời sống, xây dựng những thiết chế văn hóa xã hội, cơ sở y tế cho đồng bào ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Đây là một điểm rất nổi bật, có một cử tri cao tuổi nói, hình ảnh của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi đi xuống với dân thể hiện một hình ảnh tốt đẹp của vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đã tạo dựng niềm tin của người dân đối với chế độ của chúng ta về tương lai tương sáng của đất nước. Vị cử tri còn nói là mong muốn Chủ tịch nước cố gắng có được hình ảnh quy tụ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giống như những vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta, Bác Hồ, bác Tôn, đấy là một biểu tượng rất cao quý của khối đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, trong hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua, nhìn tổng thể, chúng tôi còn thấy băn khoăn trong nhiều mặt hoạt động, chưa thật sự thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước đối với nhiệm vụ đối nội, cũng như đối ngoại, đặc biệt là những nhiệm vụ đối nội, thể hiện trên 3 điểm như sau:

Thứ nhất, khi thực hiện một loạt nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp quy định cũng chưa rõ. Ví dụ, với tư cách là thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh. Chúng tôi thấy chưa được thể hiện một cách rõ. Chức năng của Chủ tịch nước trong việc công bố luật của Quốc hội và pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ là kết thúc khâu cuối cùng mà Quốc hội thông qua, Chủ tịch  nước chưa thực hiện quyền có thể xem xét lại luật, có thể xem xét lại pháp lệnh nếu như có điểm gì chưa đúng.

Thứ hai, trong nhiệm kỳ vừa qua, quan hệ phối hợp của Chủ tịch nước với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội thì cũng chưa thể hiện được rõ.

Một điểm nữa, theo cử tri, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi đi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, đi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện là những người rất căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, cử tri lại hỏi không biết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí  nào? Có quyền hạn gì trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì? và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng hiện nay. Những hạn chế này, tôi cho rằng có những nguyên nhân khách quan. Về chủ quan thì tôi thấy, Chủ tịch nước đã hết sức cố gắng, hết sức mình vì dân, vì nước để thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, những lý do khách quan là do những quy định của Hiến pháp của chúng ta rõ lên một bước nhưng chưa cụ thể, nên cũng khó, Chủ tịch nước muốn làm thì cũng khó có thể thực hiện được theo ý nguyện, mong muốn của mình.

Vì thế, trong nhiệm kỳ tới mong Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới là xây dựng, ban hành luật, chế định Chủ tịch nước. Ngoài ra, cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực một, thống lĩnh lực lượng vũ trang thì như thế nào và đối nội, đối ngoại như thế nào cho cụ thể.

Cuối cùng là quan tâm đến kiện toàn bộ máy của Chủ tịch nước, Chủ tịch nước muốn làm, muốn thực hiện phải có bộ máy phù hợp, nếu như sợ phình ra thì Chủ tịch nước có quyền xây dựng một đội ngũ tư vấn giúp mình trong thực hiện các nhiệm vụ.

Dương Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top