Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 11 năm 2016 | 9:34

Đại đoàn kết là nguồn lực để vượt qua các thách thức lịch sử

Tối 18/11, Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” đã được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chung vui cùng bà con dân tộc tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Tham dự lễ khai mạc các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, đại diện các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thuộc các vùng, miền trong cả nước.Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức, nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2016) và chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các đại biểu, đồng bào, chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và gửi lời thăm hỏi ân cần nhất tới đồng bào các vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai vừa qua.

Người đứng đầu Mặt trận khẳng định, đoàn kết toàn dân là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết các dân tộc là một phương thức để phát triển, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến đấu và chiến thắng, xây dựng và phát triển đất nước sau các cuộc chiến tranh, vượt qua các thách thức lịch sử.

Từ khi MTTQ Việt Nam được thành lập cách đây 86 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc đã được nâng lên và phát huy mạnh mẽ. Ngày nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một nguồn lực bên trong quan trọng để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh việc phải thông tin cho nhân dân về tình hình và đường lối phát triển đất nước, lắng nghe ý kiến của nhân dân về mọi mặt của cuộc sống ở địa phương, hỗ trợ sáng kiến và tự quản của nhân dân để chăm lo cuộc sống của mỗi gia đình, sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước, thì việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đây là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cần phải được thực hiện qua những việc làm phong phú, sinh động, thiết thực, cụ thể. Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 là một hoạt động có ý nghĩa, được tổ chức nhiều năm nay, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, mỗi người Việt Nam đều hưởng thụ thành quả lao động và đấu tranh của dân tộc hàng nghìn năm qua, thành quả của đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi người chúng ta là cán bộ, đảng viên, nông dân, công nhân, chiến sĩ, thầy thuốc, nhà giáo, thanh niên, phụ nữ, linh mục, hòa thượng… ở mọi làng quê, thành phố và ở nước ngoài hãy góp sức chung tay xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc mỗi ngày.

Chúng ta hãy cùng nhau đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống, “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

“Mỗi dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay đều có truyền thống, di sản văn hóa đặc trưng của mình cần phải được trân trọng, gìn giữ, phát huy mạnh mẽ hơn nữa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tất các các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam lại có một truyền thống chung, di sản văn hóa chung đó là đại đoàn kết các dân tộc.

Trong thế kỷ 21, trước bối cảnh hội nhập quốc tế, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, đối với Việt Nam là một nước thu nhập bình quân còn thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thì đại đoàn kết các dân tộc sẽ tiếp tục là một nguồn sức mạnh bên trong rất quan trọng, hiệu quả của dân tộc Việt Nam với hơn 92 triệu người Việt Nam ở trong nước và gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

* Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2016 diễn ra từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Sự kiện này bao gồm 4 hoạt động chính là Chương trình khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”; Cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”; Hoạt động của đồng bào các dân tộc; Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Ngọc Quang/Chinhphu.vn

 

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top