Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 11 năm 2016 | 4:27

Đại học KTQD phấn đấu nằm trong 1.000 đại học hàng đầu thế giới

Ngày 12/11, tại Hà Nội, dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đại học Kinh tế Quốc dân (1956-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trường xem xét lại tầm nhìn, sứ mệnh cùng mục tiêu phấn đấu trong vài thập kỷ tới được xếp trong số 1.000 đại học hàng đầu thế giới

Phát biểu tại buổi lễ, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng trước hết gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo. Ông cũng bày tỏ vui mừng, xúc động gặp lại những người thầy, những người bạn cũ và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và toàn thể học viên, sinh viên của trường. Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) cũng là mái trường mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng học tập, rèn luyện trong thời gian từ năm 1973 đến năm 1977.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức, khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước tiên tiến sẽ ngày càng xa hơn nếu chúng ta không có những đột phá để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.

Đề cập tới tầm nhìn và sứ mệnh của trường, Thủ tướng nhắc tới câu nói của Goethe, danh nhân thế kỷ thứ 18: Điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là chỗ chúng ta đang đứng, mà là hướng chúng ta đang đi.

“Tôi đồng ý với định hướng của trường là phấn đấu nằm trong 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Nhưng thời gian phải nhanh hơn, vì thời gian không chờ đợi ai. Nếu trong mấy thập kỷ tới mà mới phấn đấu để được xếp vào nhóm 1.000 trường hàng đầu thì chúng ta có thực hiện nổi sứ mệnh lớn như đã đặt ra?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

“Với tư cách một cựu sinh viên và là Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị các đồng chí xem xét lại tầm nhìn và sứ mệnh của ĐHKTQD. Chúng ta cần có ước mơ lớn hơn và những bước đi táo bạo”, Thủ tướng nói và yêu cầu lãnh đạo trường lắng nghe ý kiến các em sinh viên, khuyến khích những ý tưởng phản biện, các đóng góp của các cựu sinh viên, các chuyên gia, nghiên cứu cách làm của những đại học tiên tiến của châu Á và thế giới.

Đánh giá cao những thành tích và đóng góp của ĐHKTQD trong 60 năm qua, Thủ tướng yêu cầu ĐHKTQD cũng như các trường đại học khác không được tự hài lòng với những gì đã đạt được, mà phải chủ động vươn lên với tinh thần quyết tâm, đột phá.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị ĐHKTQD nghiên cứu một số nội dung có tính định hướng.

Trước hết, phát triển trường gắn với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Thủ tướng mong muốn trường sẽ là một trong những đơn vị đi đầu và có đóng góp thiết thực tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Hai là, triển khai thực hiện thành công mô hình trường đại học công lập tự chủ - một chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, là yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới quản trị trường. Chính phủ, Thủ tướng luôn lắng nghe ý kiến các trường đại học, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xác định các bước đi phù hợp, thực hiện tự chủ đại học đúng với bản chất và đạt hiệu quả cao.

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn, phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu. “Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ quản lý kinh tế, một số địa phương điểm sẽ đề nghị ĐHKTQD và một số trường đại học nghiên cứu một số đề án cấp quốc gia và cấp vùng phục vụ phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng khẳng định, ông đặt niềm tin lớn vào thế hệ trẻ, các sinh viên Việt Nam và các du học sinh ở nước ngoài. Ông mong các sinh viên và thế hệ trẻ thi đua học tập giỏi, rèn luyện đạo đức tốt, tích lũy được nhiều kiến thức, không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn về tương lai, chuẩn bị thật tốt hành trang để vào đời, quyết tâm khởi nghiệp.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho ĐHKTQD. Thủ tướng cũng tặng nhà trường bức ảnh nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng – nguyên Hiệu trưởng danh dự của trường. 

Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐHKTQD, trường xác định sứ mệnh là cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, có thương hiệu và danh tiếng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực  kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Về tầm nhìn, ĐHKTQD phấn đấu phát triển thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, đạt chất lượng đẳng cấp khu vực và quốc tế trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh và một số lĩnh vực mũi nhọn khác; phấn đấu trong những thập kỷ tới, trường được xếp trong số 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới./.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top