Hôm nay (25/1), những hoạt động chính thức trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 25/1-2/2/2021) bắt đầu diễn ra với phiên trù bị để hoàn tất công tác chuẩn bị cần thiết cho phiên khai mạc vào sáng mai 26/1. Sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo niềm tin sẵn sàng diễn ra sau thời gian dài chuẩn bị, mang tới niềm tin tạo dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.
Kết tinh trí tuệ vào Văn kiện
Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quát triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, sự chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp; sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, điểm mới đầu tiên khi xây dựng văn kiện thể hiện ở cách tiếp cận vì không chỉ nhìn nhận 1 nhiệm kỳ mà còn gắn với tổng kết, đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước không chỉ 5 năm mà còn đến giữa thế kỷ.
Quá trình xây dựng văn kiện được triển khai nhiều vòng và đến thời điểm này đã có dự thảo hoàn chỉnh, cập nhật thực tiễn mới, nhất là đánh giá đất nước trong năm 2020 – năm đặc biệt khó khăn với ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực, đoàn kết thực hiện được nhiệm vụ kép, được dư luận thế giới đánh cao.
Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân được đánh giá là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện được tinh thần rất cầu thị, phát huy dân chủ ngày càng cao của Đảng, của đất nước và của nhân dân. Đồng thời phát huy được trí tuệ của toàn đảng, toàn dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, chủ trương, đường lối phát triển đất nước và toàn bộ tiến trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các cơ quan chức năng đã tổng hợp được hơn 1.400 trang đóng góp ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào dự thảo văn kiện. Nhân dân đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng; quan tâm sâu sắc công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó nội dung rất quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng.
Và như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nhân sự Đại hội: Chất lượng, đồng thuận
Mỗi kỳ Đại hội Đảng, vấn đề nhân sự là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt bởi “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, quyết định việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội, đến sự phát triển của Đảng và đất nước trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (số 11-KH/TW, ngày 06/11/2018) bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Các nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Ông Mai Văn Chính – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội.
Có thể nói, quan điểm đúng đắn, quy trình chặt chẽ và cách làm bài bản đã tạo nên sự “thống nhất cao” là cơ sở vững chắc cho thành công của Đại hội ở khâu nhân sự.
Tất cả sẵn sàng cho Đại hội thành công
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương cho biết, công tác chuẩn bị Đại hội đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao; triển khai từ rất sớm.
Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng từ tháng 10/2018. Đến nay công tác chuẩn bị của các tiểu ban đã hoàn thành.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương
Hiện nay, mặc dù nước ta đã cơ bản được kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực. Do đó, đặt ra yêu cầu rất cao về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đại biểu dự Đại hội, cán bộ, nhân viên phục vụ tổ chức Đại hội. Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đã xây dựng các phương án phòng ngừa và dự phòng cụ thể, đảm bảo an toàn cao nhất cho Đại hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội và những người liên quan đều được xét nghiệm 2 lần trước khi Đại hội diễn ra, được bố trí, sắp xếp ăn nghỉ, đi lại, hoạt động tại Đại hội theo các phương án phòng, chống dịch; đã có quy định, hướng dẫn riêng về công tác phòng, chống dịch. Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đã chỉ đạo diễn tập về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Đến nay, tất cả các công việc chuẩn bị tổ chức phục vụ đã được chuẩn bị một cách khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức Đại hội thành công” – ông Nguyễn Đắc Vinh nói./.