Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa người dân trên địa bàn buôn Sút M’Grư, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) lại phải sống chung với bầy ruồi từ đâu kéo đến. Điều này trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây khi tình trạng này ngày một trở nên nghiêm trọng.
Gián đoạn việc buôn bán vì... ruồi!
Bà Phạm Thị Tố Nga (62 tuổi) trú tại buôn Sút M’Grư, xã Cư Suê bức xúc phản ánh với phóng viên: “Hơn 20 ngày nay, ruồi bắt đầu xuất hiện dày đặc khiến việc buôn bán bị ảnh hưởng. Tôi vừa dọn hàng ra là ruồi đã bu kín, ai ghé quán nhìn thấy cảnh đó cũng khiếp vía mà bỏ đi, lượng khách đến ăn bún buổi sáng bởi thế ngày càng giảm dần. Bình thường mỗi ngày tôi bán được 15kg bún nay chỉ còn khoảng 10kg”. Để minh chứng cho điều mình vừa nói bà Nga vừa chỉ vào bịch rác đựng những cái vỉ chứa đầy ruồi. “Đấy, anh chị nhìn đi cứ 2 ngày là đầy một bịch rác toàn ruồi với ruồi không, một ngày tôi phải dùng 30 vỉ như thế chia làm hai buổi sáng và chiều. Mà đàn ruối đến đông nhất là vào buổi chiều khi tôi bán bánh xèo”, bà Nga buồn bã cho biết.
Bà Nga giở từng vỉ bẫy ruồi
Không hơn gì nhà bà Nga, gia đình chị Phan Thị Minh cùng trú tại buôn Sút M’Grư cũng lâm vào tình trạng sống dở chết dở vì... ruồi. Mặc dù gia đình chị Minh mở tiệm cắt tóc, không hề liên quan gì đến các mặt hàng ăn uống, thế nhưng ruồi vẫn đến bâu bám. Chị Minh cho hay: “Khách đến cắt tóc mà ruồi cứ đậu lên mặt khiến khách phàn nàn và khó chịu. Còn khi dọn cơm ăn thì khỏi phải nói, nghe mùi thức ăn là chúng kéo đến như bầy ong vỡ tổ. Để đối phó với ruồi, chúng tôi đã phải mời thợ lắp thêm cửa kính chắn ngoài”.
Tiệm cắt tóc của chị Thủy cũng đầy ruồi
Không chỉ mỗi việc buôn bán bị ảnh hưởng mà nhiều hộ dân khác cho hay, nhiều năm nay mỗi khi đến mùa mưa, họ rất khổ sở vì ruồi. Cứ đến giờ cơm, nhà nào cũng phải dùng quạt loại lớn, quạt cho ruồi bay ra ngoài rồi đóng hết cửa lại mới ăn cơm được. Đặc biệt khổ nhất là những gia đình có đám như đám giỗ, đám cưới, tân gia..., khách đến dự nhìn thấy ruồi cũng chẳng còn muốn ăn.
Hành trình đi tìm... ruồi
Theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều ruồi như vậy có thể là do những trang trại nuôi gà xung quanh. Từ những phản ánh của người dân, phóng viên chúng tôi đã len lỏi trên những con đường mòn rẽ không biết bao nhiêu ngã tìm đến tận nơi có hàng chục trại gà trong lô cao su, cà phê cách khu dân cư chừng gần 1km để đột kích ruồi. Từ xa, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi hôi thum thủm đặc trưng của trại gà bốc lên khó chịu và thấy xung quanh chuồng trại là bầy ruồi bay qua bay lại đen đặc. Thậm chí, trên những lớp cỏ mới mọc, ruồi cũng đậu kín. Qua hỏi thăm, chúng tôi được biết trong lô cao su này có gần chục hộ nuôi gà. Quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy một điểm chung đó là các trang trại nuôi gà được thiết kế giống nhà sàn, phân gà thải ra sẽ rơi xuống sàn và dần tích tụ thành nhiều đám theo thời gian và khi mùa mưa đến trở thành trung tâm sinh sản của loài ruồi do không được xử lý.
Ngay cả chủ trại gà cũng không chịu nổi ruồi
Khi chúng tôi hỏi thăm ở trại nuôi có xuất hiện nhiều ruồi không ? và cuộc sống của gia đình có bị ảnh hưởng do ruồi không?, ông Phạm Đình Hóa (46 tuổi) - chủ trang trại nói: “Ở đây cũng “ít” ruồi. Thường ngày gia đình bẫy ruồi bằng cách trộn đường với thuốc để ruồi chết. Còn chuyện người dân nói ruồi từ trại gà mà ra thì không đúng vì trại xa khu dân cư nên làm sao ruồi bay ra tới ngoài kia được?”.
Còn ông Phan Xuân Thủy, một trong những hộ có trang trại nuôi gà đầu tiên tại buôn Sút M’Grư, nói: “Cách đây 15 năm, khi tôi mới nuôi gà thì khu này chưa có dân ở và qua chừng đấy thời gian thì dân số phát triển ngày càng mạnh hơn. Đến nay, ngay cả xung quanh gần khu vực trại gà cũng đã có dân sinh sống. Tôi không phủ nhận là ruồi được sản sinh nhiều là từ các trại gà. Có một số trại gà không phun thuốc diệt ruồi và không làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên ruồi mới phát triển nhiều đến vậy”. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng ngoài nguyên nhân từ trại gà còn nhiều yếu tố khác như khu vực này gần khu công nghiệp, mật độ dân cư cao. Song song với đó, giờ đang là mùa mưa, trong thôn, buôn nuôi heo, bò, gà... chuồng trại không đảm bảo nên môi trường bị ảnh hưởng là khó tránh và lẽ đương nhiên là sinh ra ruồi?! Ông Thủy cũng kiến nghị và đề xuất các sở, ban ngành cần vào cuộc và nếu được di dời ra khu quy hoạch tập trung thì ông và các hộ nuôi gà sẵn sàng chấp hành.
Trại gà của một hộ dân có chuồng trại không đảm bảo
Được biết, trên địa bàn xã Cư Suê có tổng số 25 trại nuôi gà của 18 hộ gia đình tại địa phương này trong đó tập trung nhiều nhất là khu vực buôn Sút M’Grư. Các trại này nằm rải rải trên diện tích đất nông nghiệp gần khu dân cư và là nguồn nhập chính của các hộ dân. Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’Gar) cho biết: “Chuyện người dân phản ánh trên địa bàn xuất hiện nhiều ruồi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con đã kéo dài vài năm nay. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, ruồi xuất hiện nhiều. Bên cạnh đó, xung quanh buôn này tập trung rất nhiều hộ làm trang trại nuôi gà. Mặc dù các trang trại này thực hiện tương đối tốt vấn đề vệ sinh môi trường nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng sai sót trong khâu xử lý môi trường”.
Giấy mời của UBND xã gửi cho các chủ trại gà
Theo ông Hoan, liên quan đến đơn khiếu nại của công dân, mới đây, UBND xã đã gửi giấy mời 18 hộ có trại nuôi gà đến xã làm việc. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường kiểm tra và kiến nghị với UBND huyện về việc di dời các trang trại nuôi gà này ra khỏi khu vực dân cư theo đúng quy định. “Trước đây, theo quy định cũ, các trang trại gà chỉ cần cách khu dân cư 500m nhưng theo quy định mới thì phải cách 1.000m”, ông Hoan cho biết thêm.
Anh Thi - Thu Sa
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.