“Chưa năm nào chúng tôi phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài và nặng như năm nay. Không có mưa, đàn gia súc thiếu cỏ để ăn, nước để uống, dần kiệt sức mà chết. Riêng trang trại của gia đình tôi đã có 35 con bò chết”, ông Phạm Bạo, chủ một trang trại bò tại xã Ia R’vê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) rầu rĩ cho hay.
>> Đắk Lắk: Gồng mình chống hạn
>> Đắk Lắk: Người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng
>> Đắk Lắk: Hạn hán gây thiệt hại 629 tỷ đồng
Cánh đồng cháy khô, gia súc chết vì đói khát
Trang trại bò của gia đình ông Phạm Bạo có tổng số 150 con, các năm trước bò của ông đều mập mạp và phát triển bình thường. Nhưng năm nay hạn hán khắc nghiệt, đàn bò sống lay lắt nhờ cỏ khô trong rừng và những đống rơm. Dẫn chúng tôi xem trang trại bò sau nhà, ông Bạo vội đỡ con bê mới sinh gần 1 tháng đang nằm thoi thóp vì thiếu sữa mẹ không thể đứng vững được, cho biết: “Để có tiền xoay sở cứu đàn bò, tôi đã vay mượn tiền mua hơn 2 tấn thóc, 3 tấn mì xay thành bột và hàng chục xe rơm làm thức ăn bổ sung với hy vọng cầm cự được chừng nào hay chừng đó. Vậy mà cũng chết mất 35 con rồi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Ông Phạm Bạo đỡ con bê gần 1 tháng tuổi yếu ớt vì thiếu sữa.
Ông Hoàng Văn Định (ngụ cùng thôn) cũng chẳng khá hơn khi 5 con bê con mới sinh lần lượt chết do bò mẹ thiếu sữa. Trang trại nhà ông Định nuôi 50 con bò. Hằng ngày gia đình phải lùa bò vào rừng cách nhà hơn 5km và có hôm đi gần 10km mới tìm được cánh đồng cỏ khô và lá cây rừng cho bò ăn qua ngày. Ông Định cho biết: “Tôi làm trang trại bò hơn chục năm nhưng chưa năm nào gặp phải tình trạng này. Tôi đã bán hết số phân bò trong trang trại để mua rơm cầm cự qua mùa khô này".
Rơm đắt đỏ, bò bán không ai mua.
Trong cơn đại hạn lịch sử, những chuyến xe rơm được bán đắt hơn gấp 2 lần ngày bình thường. Ông Bạo cho biết: “Những ngày bình thường, giá rơm chỉ ở mức 400.000 - 700.000 đồng/xe thì nay tăng lên 1,6 - 2 triệu đồng/xe. Một xe rơm cho ăn được khoảng 2 ngày là hết. Mặc dù giá cắt cổ nhưng chúng tôi vẫn cắn răng mua, bởi không mua thì biết lấy gì cho bò ăn".
Hạn hán kéo dài khiến giá rơm tăng cao.
Không chỉ giá rơm đắt mà việc mua bán bò trong mùa hạn cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cánh thương lái chê bò gầy, bò yếu.. tìm đủ cách để ép mua với giá rẻ mạt. “Bình thường một con bò mẹ mới đẻ lứa đầu có giá từ 18 - 24 triệu đồng thì nay chỉ còn trên dưới 10 triệu đồng. Còn những con bò đã kiệt sức, yếu và có dấu hiệu sẽ chết thương lái mua với giá khoảng trên dưới 3 triệu đồng”, ông Bạo nói.
Đàn bò trong cánh đồng khô không có nguồn thức ăn
Tính đến thời điểm này, ước tính toàn huyện Ea Súp có gần 200 con gia súc (4 con trâu, 184 con bò, 11 con dê) và 316 con gia cầm chết, tập trung ở 2 xã Ia R’vê và Ia Lốp, thiệt hại lên đến gần 3, 7 tỷ đồng. Ông Trần Quang Trịnh, Phó trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp cho biết: “Có hai nguyên nhân dẫn đến việc bò chết hàng loạt. Thứ nhất do nắng hạn kéo dài, bò thiếu thức ăn, nước uống, đặc biệt là do thường xuyên ăn cỏ khô nên thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Thứ 2 các địa phương này chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi trữ nước nên mùa khô không canh tác được. Và một phần do quá đói khát nên bò thấy gì ăn đó, thậm chí ăn cả sắn, rác thải, lốp xe, quần áo… Hiện, huyện đã chỉ đạo bà con tăng cường khẩu phần ăn cũng như bổ sung các chất dinh dưỡng để bò có sức đề kháng chống chọi trong mùa hạn, đồng thời báo cáo lên tỉnh để xin hỗ trợ".
Quốc Hùng - Thu Sa
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.