Nhiều năm qua, các đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên các trường học một cách ồ ạt, sau đó ấn định luôn về cho các trường mà không căn cứ vào nhu cầu thực tế. Về sai phạm này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Krông Pắk xử lý dứt điểm. Hơn 600 giáo viên được tuyển đang hàng ngày đối mặt nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào.
Năm học 2017-2018, có 10 giáo viên trong biên chế của Trường THCS Ea Phê, xã Ea Phê, huyện Krông Pak không có tiết để dạy. Lý do là trường buộc phải rút từ quy mô 20 lớp/480 học sinh, xuống còn 15 lớp, đúng theo quy định. Đương nhiên, cùng với cả chục giáo viên biên chế không còn tiết dạy, 7 giáo viên hợp đồng dài hạn cũng ngồi chơi xơi nước. Nhưng tình thế của 7 giáo viên này càng xấu hơn, vì không có tiết dạy, họ còn không được hưởng lương. Ngày giảng đi qua, nhưng nỗi buồn vẫn còn đọng lại, một cô giáo là nhân viên hợp đồng tại Trường THCS trên địa bàn huyện Krông Pắk, bức xúc chia sẻ:“Thực sự rất buồn, em không dám ở lại trường, mặc dù em ở nội trú ở trong trường, nhìn cảnh khai giảng em rất tủi thân, ai ở trong hoàn cảnh của tụi em mới có thể hiểu được”.
Trường THCS Ea Phê, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk
Là người góp phần gây ra tình trạng éo le hiện nay khi ký thêm hợp đồng với 109 giáo viên trong nhiệm kỳ của mình, ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pak, khẳng định, huyện đang giải quyết hậu quả bằng cách trình xin tỉnh cho thêm biên chế giáo viên năm học 2017-2018, để tuyển chính thức một phần số giáo viên hợp đồng dư thừa hiện nay. Tuy nhiên, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngoài hơn 500 giáo viên hợp đồng dư thừa, Krông Pak còn 100 giáo viên trong diện biên chế chưa thể bố trí giảng dạy, nên phương án xin thêm biên chế giáo viên của huyện là không khả thi. Những nỗ lực cân đối, điều chuyển giáo viên cũng không giải quyết được đáng kể tình trạng dư thừa hiện nay. Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk, cho biết: “Phương án là thế này, việc đầu tiên duyệt biên chế đầu năm xem nơi nào thiếu nơi nào thừa để điều chuyển nơi thừa về nơi thiếu, còn hợp đồng thì phải lập phương án trình UBND tỉnh. Quyết định của UBND tỉnh là năm 2017 là phải giải quyết dứt điểm các trường hợp này. Cắt ngang thì không được. Để càng không xong vì đang dư biên chế.”
Công văn 393/SNV - DKT của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk
Trong hai nhiệm kỳ công tác, 2 vị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đua nhau tuyển giáo viên, bất chấp thực tế dư thừa giáo viên của địa phương. Điều đáng nói là mặc dù vào ngày 25/3/2016, đoàn kiểm tra 135 của Sở Nội vụ đã tổng hợp và đánh giá kết quả kiểm tra công tác quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND huyện Krông Pắk quản lí và có kiến nghị UBND huyện khắc phục tình trạng dư giáo viên, nhân viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu. Trong đó, có yêu cầu không tiếp tục hợp đồng giáo viên, nhân viên ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện, thế nhưng không hiểu sao vị đương nhiệm chủ tịch vẫn ký quyết định hợp đồng lao động sau đó (?).
Một quyết định hợp đồng được ký sau khi có Công văn số 393 của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk
Chưa rõ lợi ích của việc làm vô nguyên tắc này ở chỗ nào và ai được hưởng, nhưng hậu quả xảy ra đã rất rõ. Năm học mới đã bắt đầu, hơn 600 thầy, cô giáo ở đây đang thấp thỏm. Lương không còn, việc làm không có, nhưng không ai dám tìm một việc khác để mưu sinh, khi hợp đồng làm việc ở các trường vẫn còn hiệu lực. Điều đáng nói là sự việc này, báo chí đã phản ánh, nhưng không hiểu các cơ quan chức năng ở tỉnh Đắk Lắk tại sao chưa vào cuộc để điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Dư luận vẫn đang trông chờ vào cách xử lý của tỉnh Đắk Lắk về những sai phạm rõ ràng của huyện Krông Pắk./.
Thành Nhân
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.