Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 7 năm 2018 | 13:34

Đắk Nông: Lật xe gỗ lậu 2 người chết

Lật xe gỗ lậu làm 2 người chết, đình chỉ trạm quản lý rừng Đăk Nông; bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm; làm giàu từ nuôi tôm hùm lồng là những tin đáng chú ý tuần qua tại Tây Nguyên.

Đắk Nông: Lật xe gỗ lậu 2 người chết          

Nguyên dàn lãnh đạo, nhân viên trạm QLBVR nơi xảy ra vụ lật xe gỗ lậu giữa rừng làm 2 người chết, đã bị tạm đình chỉ công tác để viết tường trình, phục vụ việc xác minh.

lat-xe-899.jpg

 Lật xe chở gỗ lậu trong rừng Đăk Wil, 2 người chết

 

Ông Trần Đức Thắng, Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil (Cư Jút, Đắk Nông) cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác toàn bộ cán bộ nhân viên trạm QLBVR số 1 để xác minh vụ lật xe chở gỗ cách trạm 200m khiến 2 người chết.

Trước đó, sáng 7-7, tại Km6, đường quốc phòng qua tiểu khu 833 (C.ty lâm nghiệp Đắk Wil) xảy ra vụ lật xe chở gỗ làm chết người.

Hiện trường vụ lật xe cách trạm QLBVR khoảng 200m. Tại hiện trường, chiếc xe ô tô 7 chỗ hiệu Toyota BKS 47A-058.49 lật ngửa giữa đường bẹp dúm. Trong xe chở rất nhiều phách gỗ xẻ hộp.

Cạnh xe là thi thể 2 người đàn ông không còn nguyên vẹn. Các nạn nhân được xác định là Lê Quang Vinh (SN 1983) và Nguyễn Tất Thành (SN 1986, cùng trú thôn 9, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đi trên xe bị lật. Trong hai nạn nhân vẫn chưa xác định được ai là người cầm lái.

Ông Thắng cho biết, trạm QLBVR số 1, do ông Bùi Đăng Hiệp làm trạm trưởng (ngoài ra còn có trạm phó và 2 nhân viên). Thời điểm xảy ra tai nạn, cả 4 người đều có mặt tại trạm.

Về số gỗ trên xe bị lật, qua đo đếm xác định khối lượng 0,3m3 nhưng chưa biết được chủng loại gỗ. Sau khi xảy ra sự việc, công ty đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên kiểm tra nhưng chưa phát hiện dấu hiệu rừng bị khai thác và cũng chưa xác định được đường đi của xe chở gỗ.

Ông Thắng cũng cho biết, dọc tuyến đường quốc phòng chạy qua khu vực rừng do Công ty quản lý, có 3 trạm, chốt QLBVR. Trong đó, trạm QLBVR số 1 có barie, có chức năng kiểm tra người và phương tiện ra vào. Trước mắt công ty tạm đình chỉ 4 cán bộ, nhân viên trạm QLBVR số 1 yêu cầu viết bản tường trình.

Ông Thắng cho biết, chiếc xe bị lật mang BKS tỉnh Đắk Lắk và lần đầu tiên thấy xuất hiện tại địa phương.

Qua tìm hiểu, đường quốc phòng chạy qua rừng Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil có chiều dài khoảng 30km và nối với QL14C. Hai bên đường có 3 trạm QLBVR quản lý rừng, mỗi trạm cách nhau7-8km và 1 trạm QLBVR số 10 (thuộc VQG Yok Đôn).

Tuy nhiên, không hiểu sao xe gỗ có thể đi lại trong rừng như chốn không người vậy?. Sự việc chỉ được phát hiện khi chiếc xe bị tai nạn, lộn nhiều vòng, lật ngửa, bẹp dúm.

Làm việc với ông Bùi Văn Tuấn, Trạm phó Trạm QLBVR suối Đắk Lâu (đóng giữa tuyến đường quốc phòng), ông cho biết, tối xảy ra vụ tai nạn, trạm có 2 người trực nhưng không phát hiện xe ra vào.

Ông Tuấn lý giải, do là tuyến đường quốc phòng nên cán bộ, nhân viên của trạm không được phép kiểm tra phương tiện qua lại.

Cũng theo ông Tuấn, phương tiện đi qua mà các đối tượng dùng vận chuyển gỗ là ô tô có tiếng động cơ rất nhỏ nên rất khó phát hiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, trụ sở trạm QLBVR suối Đắk Lâu nằm cách đường quốc phòng chừng 20m, mặt quay ra phía đường.

Ông Bùi Đăng Hiệp, Trạm trưởng trạm QLBVR số 1 cũng nói rằng, trước và sau thời điểm xe ô tô chở gỗ gặp nạn, không có phương tiện nào qua trạm.

Ông Hiệp cho biết, trạm có barie kiểm soát người, phương tiện ra vào, chìa khóa được giao chung cho tất cả cán bộ, nhân viên quản lý. Đêm trước xảy ra tai nạn, trời mưa to nên toàn bộ cán bộ, nhân viên ở lại trong trạm. Sáng hôm sau thì nghe tin báo về vụ lật xe chở gỗ cách trạm 200m.

Cũng theo ông Hiệp, từ thời điểm Bộ Công an đột kích, bắt trùm gỗ Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, 50 tuổi, trú huyện Cư Jút) vào tháng 5/2018 vừa qua, trạm không phát hiện vụ phá rừng hay vận chuyển gỗ lậu nào trong khu vực quản lý.

Phóng viên đã liên hệ với ông Trần Văn Giảng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cư Jút để nắm thêm thông tin vụ việc, tuy nhiên vị này báo bận họp. Gọi vào số điện thoại, ông Giảng liên tục bấm máy bận, không thể liên lạc được và cũng không phản hồi lại.

Sau khi Bộ Công an bắt trùm gỗ lậu Phượng “râu”, 9 cán bộ, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Cư Jút đã xin tự nhận hình thức kỷ luật, trong đó ông Giảng tự nhận hình thức cảnh cáo.

Cù Lao Chàm: Thành lập hợp tác xã khai thác, bảo tồn cua đá

Ngày 11/7, tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm đã diễn ra hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) Cù Lao Chàm. Đây là HTX đầu tiên tại đảo.

 

cua-đa-998.JPG

 Cua đá  trên đảo có giá 2,2 – 2,5 triệu đồng/kg

 

HTX bầu ông Trần Công làm Chủ tịch hội đồng quản trị, có 35 thành viên nòng cốt, chủ yếu là những người chuyên săn bắt cua đá và khai thác các sản vật khác như rau, lá rừng.... Trước mắt, HTX tập trung khai thác, bảo tồn cua đá, nâng cao thương hiệu "đặc sản" cua đá, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và du khách trong việc bảo vệ cua đá và các sản phẩm khác trên đảo. Phát triển các sản phẩm khác từ thế mạnh của địa phương như trà túi lọc, hải sản và dịch vụ du lịch. 

HTX sẽ xây dựng phương án cụ thể trong hoạt động, cam kết ổn định giá cả, có nhãn hiệu sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. HTX đặt kế hoạch hằng năm chỉ khai thác tối đa 500kg cua đá, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng sau 3 năm.

Những năm qua, cua đá và các sản phẩm từ thiên nhiên ở Cù Lao Chàm được người dân khai thác tự phát, mặc dù chính quyền xã đảo Tân Hiệp đã tổ chức kiểm tra, dán nhãn cua đá và hạn chế số lượng săn bắt nhưng nguy cơ cạn kiệt do giá cao, nhu cầu du khách ngày càng tăng. HTX Cù Lao Chàm ra đời sẽ đảm bảo tốt hơn công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả, gắn với phát triển du lịch bền vững trong những năm tới.

Hiện, giá cua đá thương phẩm của các xã viên khai thác, cung cấp cho các nhà hàng trên đảo có giá giao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg. Các thành viên HTX hi vọng, việc khai thác cua đá đúng quy chuẩn, số lượng chắc chắn sẽ góp phần phát triển kinh tế, cũng như bảo tồn hiệu quả cua đá.

Cam Ranh: Thu 5 tỷ đồng/năm từ nuôi tôm hùm lồng

Từ hộ cận nghèo, ông Phan Văn Thừa (phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã vượt khó vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm hùm lồng. Hiện, ông đang có 300 lồng tôm, thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm.

t-hum-8981.jpg

Ông Thừa  đang thu hoạch tôm hùm  

Sinh ra và lớn lên ở biển Cam Ranh, ông Thừa hiểu rằng thế mạnh kinh tế khu vực này không gì khác ngoài nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, gia cảnh khó khăn khiến mơ ước nuôi một lồng tôm hùm của ông không hề dễ dàng.

Hàng ngày, ông chăm chỉ chạy xe ôm, còn vợ bán rau. Năm 2006, ông quyết tâm đầu tư nuôi tôm hùm, nhưng chỉ đủ tiền mua 400 con giống. Để có tiền mua thức ăn cho tôm, vợ chồng ông phải làm thêm đủ việc, thậm chí ra biển mò cua, bắt ốc… May mắn đến với ông khi vụ đầu tiên tôm hùm xanh đạt năng suất cao, giá bán ổn định.  

 Một năm sau, thông qua kênh tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân phường Cam Lợi đã giúp ông vay 30 triệu đồng để tiếp tục đầu tư và nhân rộng mô hình nuôi tôm. Qua một năm, ông Thừa thu lãi hơn 50 triệu đồng, kinh tế gia đình từng bước nâng lên và năm 2012 thoát nghèo.

Hiện, ông Thừa đã tham gia vào Tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng Cam Lợi do. Bản thân ông thường xuyên tham gia sinh hoạt và giúp đỡ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong tổ.

“Lúc đầu tôi cũng không có kinh nghiệm nhưng mạnh dạn học hỏi, tiếp thu cái tốt, rút kinh nghiệm từ những mô hình thất bại ở địa phương. Nhờ đó, từ khi nuôi tôm đến nay, chưa có năm nào bị lỗ. Tiền lãi hàng năm tôi dành cho việc mở rộng mô hình nên thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước”, ông Thừa nói.

Chia sẻ bí quyết thành công, ông Thừa bật chiếc điện thoại smartphone đã cũ, chỉ cho chúng tôi xem cách giám sát 300 lồng tôm bằng camera an ninh mà ông mới trang bị cách đây 2 tháng. Có lẽ sự năng động, tinh thần cầu tiến, chịu khó ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là bí quyết thành công của ông.

Được biết, năm 2017, ông Thừa nuôi hơn 200 lồng tôm hùm xanh, với khoảng 50.000 con. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 3 tỷ đồng. Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi, ông còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều năm liền, ông Thừa được bình xét đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Tiếp nối thành công, năm 2018, ông Thừa nâng lên hơn 300 lồng, với vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng.

Hiện, mỗi ngày ông phải chi khoảng 40 triệu đồng mua cá hoặc sò cho tôm ăn. “Đầu tư lớn nguy cơ rủi ro lớn, nhưng bù lại nếu thuận buồm xuôi gió sẽ lãi cao. Tôi không bao giờ để tiền nhàn rỗi, cứ thu lãi cuối năm lại đầu tư thêm ô lồng vào đầu năm sau. Quan trọng là mình kiểm soát được sự phát triển. Nếu giá tôm ổn định, không xảy ra dịch bệnh thì dự kiến cuối 2018, tôi thu lãi khoảng 5 tỷ đồng”, ông Thừa cho biết.

Ông Trần Duy Mỹ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Lợi cho biết, từ hộ cận nghèo, nhà cửa tạm bợ, hiện, ông Thừa đã xây nhà mới khang trang hơn 2 tỷ đồng, có của ăn của để, quy mô nuôi tôm lớn nhất nhì thành phố. Mặt khác, ông còn là tấm gương tiêu biểu trong việc giúp đỡ hội viên, chia sẻ kinh nghiệm và làm từ thiện.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top