Việt Nam là quốc gia đông dân số thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines.
Đến thời điểm 0h ngày 01/04/2019, dân số nước ta là trên 96 triệu người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 11/7, tại Hà Nội.
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. |
Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, đến thời điểm 0 giờ ngày 1/04 năm nay, dân số nước ta là trên 96 triệu người, trong đó nam là trên 47 triệu người chiếm 49,8% và nữ là trên 48 triệu người chiếm 50,2%. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới . So với năm 2009, vị trí xếp hạng quy mô dân số của nước ta trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Như vậy, sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%, giảm so với giai đoạn 10 năm trước là 1,18%/năm. Tỉ lệ giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực, trong đó Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có mật độ cao nhất cả nước, lần lượt là trên 2.000 người/km2 và trên 4.000 người/km2. Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế-xã hội có sự khác biệt đáng kể: Đồng bằng Sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước, Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất. Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là trên 33 triệu người, ở khu vực nông thôn là trên 63 triệu người.
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, cuộc tổng điều tra dân số trên địa bàn thành phố đã đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đều tra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã diễn ra an toàn và thành công, tốt đẹp. Số liệu sơ bộ Tổng điều tra được công bố hôm nay (11/7) cũng là Ngày Dân số thế giới. Đây là một trong 3 cuộc Tổng điều tra lớn nhất theo quy định của pháp luật về thống kê và được tiến hành 10 năm một lần. Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả này sẽ là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình hình nhà ở, dân cư, đáp ứng mục tiêu thống kê, phục vụ nhu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược, chính sách về kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt về dân số và nhà ở.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, quá trình tổ chức thực hiện Tổng điều tra, lần đầu tiên đã áp dụng triệt để, rộng rãi công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, sớm cho ra kết quả, số liệu. Với cách làm này, có thể cập nhật dữ liệu hằng năm và 10 năm sau có thể không cần tổ chức cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở nữa, hạn chế tốn kém thời gian, kinh phí. Phó Thủ tướng nêu rõ tuy là kết quả sơ bộ nhưng các số liệu được công bố tại hội nghị này là số liệu chính thức, công việc tiếp theo của tổng điều tra là phân tích, đánh giá chi tiết số liệu để đưa ra báo cáo chính thức và sẽ công bố báo cáo này vào tháng 12/2019 tới đây.
“Nhiều chuyên gia đang cảnh báo chúng ta đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa lại đang diễn ra nhanh. Do đó, lần tổng điều tra này bằng con số cụ thể cơ cấu dân số để phân tích xu hướng dân số để có đối sách những chính sách kịp thời tránh tình trạng “chưa giàu, đã già”. Đặc biệt tiếp tục quan tâm đến những người yếu thế, thu nhập thấp với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm,Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua./.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.