Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 7 năm 2022 | 23:29

Dấu hiệu lừa đảo và làm trái quy định tại Trường Trung cấp Đông Á

Những giọt nước mắt chực chờ lăn, những uất nghẹn nói không thành lời, sự bất lực, hoang mang. Đó là cảnh mà nhóm phóng viên Kinh tế nông thôn ghi nhận ở nhiều học viên thuộc lớp bác sĩ y học cổ truyền đang học tại Trường Trung cấp Đông Á ở Quảng Ngãi.

Kỳ 1. Tự tổ chức đào tạo lớp bác sĩ y học cổ truyền?

Bao công lao học tập, mất thời gian, tốn kinh phí nhưng giờ đây bị dừng giữa chừng, học viên lớp bác sĩ y học cổ truyền học tại Trường Trung cấp Đông Á chỉ biết ngửa mặt than trời.

da.jpg
Trường Trung cấp Đông Á (Quảng Ngãi).

 

Chỉ phối hợp tuyển sinh

Năm 2019, Trường Đại học Hoà Bình (trụ sở tại Hà Nội) và Trường Trung cấp Đông Á (trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi) có một số văn bản về việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo ngành bác sĩ y học cổ truyền. Sau đó, hai trường thống nhất về việc thống nhất liên kết tuyển sinh. Ngày 13/6/2019, Trường Đại học Hoà Bình có Công văn số 494/CV-ĐHHB phúc đáp Công văn số 27-ĐA ngày 5/6/2019 của Trường Trung cấp Đông Á về việc đề nghị được phối hợp tuyển sinh các ngành, chuyên ngành đào tạo với Trường Đại học Hoà Bình đáp ứng nhu cầu của người học.

Trong công văn của Trường Đại học Hoà Bình ghi rất rõ: đồng ý phối hợp tuyển sinh với Trường Trung cấp Đông Á các chuyên ngành mà trường được phép đào tạo. Chỉ là phối hợp tuyển sinh chứ không phải là đào tạo và tổ chức lớp học. Sau khi phối hợp tuyển sinh, đã có 42 học viên trúng tuyển và được Trường Đại học Hoà Bình gửi giấy báo nhập học. Trong giấy báo nhập học, Trường Đại học Hoà Bình  yêu cầu  học viên thực hiện những thủ tục cần thiết để tiến hành tổ chức học tập, trong đó có tiền học phí. Trong giấy báo nhập học ghi rõ tập trung tại Trường Đại học Hoà Bình (Hà Nội) chứ không phải ở Quảng Ngãi.

4.jpg
Công văn số 494/CV-ĐHHB của Trường Đại học Hòa Bình phúc đáp Công văn số 27-ĐA ngày 5/6/2019 của Trường Trung cấp Đông Á

 

Sau đó, không biết bằng cách nào, Trường Trung cấp Đông Á tự tổ chức đào tạo lớp bác sĩ y học cổ truyền cho 42 học viên. Việc học tập được tổ chức tại Trường Trung cấp Đông Á,  trường này đã đủ điều kiện tổ chức lớp học? Hay  bất chấp để mở lớp học không đúng quy định? Việc đào tạo lớp đại học ngành bác sĩ y học cổ truyền phải đảm bảo nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp chứ không phải đào tạo theo kiểu “học cho có”. Sau đó, đến năm 2020, Trường Trung cấp Đông Á tiếp tục tuyển sinh thêm 20 học viên vào học ngành bác sĩ y học cổ truyền.

Tưởng rằng mong muốn của học viên được tham gia lớp học với đúng tinh thần liên kết giữa Trường Đại học Hoà Bình và Trường Trung cấp Đông Á, nhưng đến ngày 09/10/2020, Trường Trung cấp Đông Á có Công văn số 17/TB-TCĐA về việc dừng mọi hoạt động liên kết với Trường Đại học Hòa Bình. Học viên lớp bác sĩ y học cổ truyền hoàn toàn không biết việc này vì không nhận được thông báo từ Trường Trung cấp Đông Á cũng như Trường Đại học Hoà Bình.

1.jpg
Trường Trung cấp Đông Á có Công văn số 17/TB-TCĐA về việc dừng mọi hoạt động liên kết với Trường Đại học Hòa Bình.

 

Học viên hoang mang

Trao đổi với phóng viên, anh Bạch Ngọc Lưu (ngụ tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) biết: “Tháng 4/2019, có thông báo tuyển sinh lớp bác sĩ y học cổ truyền, tôi đã tham gia thi tuyển đầu vào bằng thi nghiệp vụ và toán, hóa, sinh. Tháng 11/2019, nhận được giấy báo trúng tuyển. Tháng 12/2019, Trường Đại học Hoà Bình mời về Hà Nội để nhập học nhưng sau đó Trường Trung cấp Đông Á tổ chức cho lớp học tại tỉnh Quảng Ngãi. Năm sau, Trường Trung cấp Đông Á lại tiếp tục tuyển sinh thêm học viên, nâng lớp học lên 62 học viên”.

Đến thời điểm hiện tại, học viên lớp bác sĩ y học cổ truyền đã học được 4 kỳ và thi kết thúc 3 kỳ. 62 học viên đã đóng đầy đủ học phí của 3 kỳ học với số tiền 54 triệu đồng (mỗi học viên đóng 18 triệu đồng/kỳ học). Học viên đến từ 7 tỉnh, thành khác nhau gồm: Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Nông. Điều khiến học viên rất bất bình là việc dừng đào tạo đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Học viên chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, kinh tế gia đình rất khó khăn. Để được tham gia tuyển sinh và học lớp bác sĩ y học cổ truyền, họ phải tập trung tại tỉnh Quảng Ngãi để học tập. Thế nhưng, đến giờ, việc đào tạo bị cắt ngang, không có lịch đi học lại khiến học viên gặp trăm bề khó khăn bởi phải ảnh hưởng đến kinh tế và việc làm, nhiều học viên phải vay mượn, bán nhiều tài sản để tham gia lớp học. Đến tìm hiểu hoàn cảnh một số gia đình học viên, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của họ. 

Trong tâm trạng hoang mang, những ánh mắt đỏ hoe với những giọt nước mắt bất lực, chị Nguyễn Thị Quyên (tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Khi nghe thông tin Trường Đại học Hoà Bình liên kết với Trường Trung cấp Đông Á tuyển sinh lớp bác sĩ y học cổ truyền, với tinh thần đam mê nghề, nâng cao kiến thức để sau này có điều kiện phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn, tôi đã đăng ký thi và trúng tuyển. Gia đình ở vùng nông thôn rất khó khăn, có cha mẹ già, con nhỏ. Để được tham gia lớp học gia đình, tôi đã phải bán bò, vay thế chấp ngân hàng để có tiền đi học. Không những vậy, tôi còn phải sắp xếp lo cho con cái, cha mẹ già để tham gia lớp học. Khi biết Trường Trung cấp Đông Á ngừng liên kết với Trường Đại học Hoà Bình,  tôi bị sốc và khủng hoảng tinh thần mấy tháng nay. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề nghi vấn tại Trường Trung cấp Đông Á để đảm bảo quyền lợi cho tôi cũng các học viên khác sau 3 năm học tập”.

2.jpg
Các học viên phản ánh về sự việc.

 

Học viên Nguyễn Hải Sơn trong tâm trạng rất buồn chia sẻ: “Tôi đến từ tỉnh Quảng Trị. Để tham gia lớp học, tôi phải sắp xếp công việc, gia đình và lo kinh tế. Bên cạnh đó, việc đi lại mấy trăm cây số cũng là việc không hề đơn giản. Bây giờ việc học tập bị cắt ngang thế này khiến chúng tôi lâm vào khủng hoảng. Mất 3 năm trời cùng với một khoản kinh phí lớn bây giờ đổ sông đổ biển. Tại sao Trường Trung cấp Đông Á lại có thể làm những việc như vậy. Họ có hiểu tâm trạng cho chúng tôi không?”.

Học viên Võ Ngọc Hiếu (ngụ xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Chúng tôi đã theo học 3 năm với một khoản kinh phí khá lớn, tâm huyết bỏ ra rất nhiều. Khi lớp học bị dừng đột ngột, bản thân tôi rất hụt hẫng. Thực chất tôi vẫn còn muốn học. Chỉ mong các cấp các ngành giúp đỡ bằng cách nào đó hợp lý để được tiếp tục học. Do tâm huyết vào lớp học, sự việc giờ đây không biết ngọn ngành thế nào nên tôi cũng mong các cơ quan chức năng làm rõ để chúng tôi hiểu rõ vấn đề”.

Giờ đây, việc đào tạo bị cắt ngang, đẩy nhiều học viên vào tình trạng hoang mang, họ đã phải bỏ thời gian và tiền bạc nhưng đến nay lại không được tiếp tục học. Họ không làm gì trái pháp luật, tại sao lại phải gánh hậu quả? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm để giải quyết những quyền lợi chính đáng cho học viên? Trong sự việc này có rất nhiều điều mập mờ, có dấu hiệu của sự lừa đảo và một số hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc ở kỳ tiếp theo.

 

Khắc Niên – Minh Cường
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top