Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 05/CT-TTg về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Trong những năm qua, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Việc cưới tại nhiều gia đình, địa phương được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp. Đã hình thành một số mô hình tổ chức cưới mới tiết kiệm, lịch sự như tiệc ngọt thay cho tiệc mặn, đám cưới không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; ứng xử nhân văn như trồng cây lưu niệm, hướng về cội nguồn… Việc tang đã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu; hạn chế việc tổ chức linh đình, ồn ào, không bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự công cộng. Nhiều địa phương vận động nhân dân thực hiện quy định về sử dụng nhạc tang, phúng viếng; khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển, câu lạc bộ trợ táng; an táng phù hợp với điều kiện địa phương, theo hướng văn minh, gắn với quy hoạch nghĩa trang nhân dân; hỗ trợ gia đình thực hiện hỏa táng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cưới, việc tang vẫn còn những hạn chế như: Tổ chức lãng phí, vụ lợi; ăn uống linh đình, nhiều ngày, nhiều nơi, mời nhiều khách; để xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm; dựng lán, nhà bạt, sử dụng loa đài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đưa đón dâu nhiều lần; đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, để thi hài quá lâu, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện, còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính.
Nhân rộng mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên, hướng tới xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Đồng thời chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, vùng, miền, dân tộc; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm. Các gia đình đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trật tự an toàn xã hội. Khuyến khích các địa phương hỗ trợ kinh phí cho việc hỏa táng.
Quán triệt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức. Không lạm dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công phục vụ mục đích cá nhân; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đề xuất các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những mô hình tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, trong đó có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có nội dung về việc cưới, việc tang.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động nêu gương mô hình tốt, cách làm hay; phê phán những hành vi, biểu hiện tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục trong việc cưới, việc tang./.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.