Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 6 năm 2017 | 11:12

Để bài thuốc dân gian mãi trường tồn: Cần cơ chế và chính sách phù hợp

Chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) đang được nhiều người lựa chọn. Vì vậy, cần phải giữ lại những bài thuốc quý, thuộc loại “bí truyền” trong dân gian. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, có người sẵn sàng trao tặng bảo bối gia đình cho y học, có người quyết giữ lại, có người đang phân vân chưa có câu trả lời...

Cán bộ Khuyến nông huyện Tam Đảo thăm vùng trồng ba kích xã Tam Quan.

Người giữ “bảo bối” gia đình

Gặp gỡ những lương y tâm huyết với nghề, chữa bệnh bằng thuốc Nam giỏi tại nhiều vùng miền của đất nước, chúng tôi đều nghe được câu trả lời: Tất cả kinh nghiệm, kiến thức về YHCT chính là “bảo bối” của gia đình, dòng tộc, nhiều thế hệ nối tiếp nhau lưu truyền lại.

Lương y Dương Thị Hiến, dân tộc Dao, ở Ba Vì (Hà Nội), cho biết, tổ tiên của bà là người Trung Quốc, sang Việt Nam từ thế kỷ 13, hơn 800 năm qua đã để lại cho gia đình, dòng họ những bài thuốc “độc chiêu”, chuyên trị những bệnh nan y như: xương khớp, trĩ nội, trĩ ngoại, gan, thận; thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh... Hàng chục năm qua, bà đã chữa cho rất nhiều người trên cả nước, ví dụ, trĩ nội, trĩ ngoại chỉ 10 - 15 ngày (3 - 4 ấm thuốc) là khỏi, trĩ lâu năm phải 1 tháng; bệnh xương khớp nan giải hơn nên mất ít nhất từ 3 - 6 tháng mới ổn. Ngay từ bé, bà đã theo mẹ vào rừng hái thuốc và thuộc lòng nhiều loài thảo dược. Lớn hơn chút nữa, bà được học cách chế biến những bài thuốc gia truyền như đã nêu trên... Đến nay, sau hàng chục năm làm nghề, công thức chữa bệnh của bà là: Sạch sẽ - an toàn - hiệu quả. Điều quan trọng hơn, trước khi bốc thuốc, phải thăm khám cặn kẽ cho bệnh nhân; phát hiện ra căn nguyên gây bệnh mới trị tận gốc.

Bà Hiến cho biết, ngày càng có nhiều người chữa bệnh bằng thuốc Nam nên cây thuốc trên rừng đã cạn kiệt. Hiện, bà đã nhân cấy được nhiều cây thuốc quý trong vườn, song có loài phải 10 - 20 năm mới sử dụng được. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, nhất là có chính sách đúng đắn trong bảo tồn, phát triển cây dược liệu. Sự quan tâm của Chính phủ sẽ giúp cho bệnh nhân cơ hội chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền, lành tính, không tốn kém. “Theo tục lệ người Dao, những bài thuốc quý trong gia đình được truyền lại cho con gái. Hiện, tôi cũng đang giữ tập tục ấy, và còn muốn truyền cả cho con dâu nữa. Thực tế thấy, gia đình nào cũng có một vài bài thuốc thuộc loại “bí truyền”, không bao giờ chia sẻ cho ai, thậm chí khi chết mang theo nhưng tôi thì sẵn sàng chia sẻ để nhiều người cùng được cứu chữa”, bà Hiến tâm sự.

Tương tự như bà Hiến, ông Lý Văn Sèng, dân tộc Mông, huyện Bắc Quang (Hà Giang), cũng từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Việt Nam đã 4 đời nay. Xưa kia, gia đình ông ở Hoàng Su Phì, nguyên nhân bố ông phải bỏ nơi này mà đi cũng vì bài thuốc quý. Một lần, con trai vua Mông ở Đồng Văn bị đại tràng nặng, mời bố ông đến chữa. Khi khỏi bệnh, vua yêu cầu bố ông ở lại, và bảo có thể đưa cả gia đình đi, bố ông giả vờ đồng ý, rồi về quê cùng vợ con bỏ trốn, sợ nơi cung cấm “phúc họa, khó lường”, vì vậy cả nhà ông mới về Bắc Quang như ngày nay. Bố ông sinh được 6 người con, song chỉ có ông hay lên rừng hái thuốc với bố; ông cũng là người may mắn của đời thứ 4 trong dòng họ Lý được truyền phương thuốc đặc trị dạ dày và đại tràng xa xưa của Trung Quốc. Theo đó, dòng họ ông có lời thề chỉ truyền nghề cho người đủ đức, đủ tài sau mỗi thế hệ, song, khi đã gần 50 tuổi, ông Sèng vẫn chưa tìm được ai trong số 5 người con để trao nghề. Ông hy vọng sẽ sớm thấy truyền nhân trong dòng họ để trao lại bảo bối của gia tộc. “Nếu không tìm được ai để giao phó, chắc có chết tôi cũng không thể nhắm mắt được”, ông Sèng tâm sự.

Có một thực tế là, vấn đề chia sẻ những bài thuốc “bí truyền” của dòng họ đang gây nhiều tranh cãi, có người quyết không trao lại cho ai, đến lúc chết thì mang theo. Có người sẵn sàng chia sẻ, có người đang phân vân, chưa có câu trả lời. Lương y Hoàng Văn Thạch, Chủ tịch Hội Đông y Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cho biết, dân tộc Sán Dìu có truyền thống bố hoặc mẹ truyền nghề cho con trai (hiếm khi truyền cho con gái) và không bao giờ truyền cho con dâu. Tôi hỏi ông: “Ông có sẵn sàng chia sẻ, hay nói cách khác là cống hiến bí truyền của gia đình cho ngành YHCT không?” thì ông Thạch không trả lời.    

Đã có cơ chế cho YHCT

Phó chủ tịch Hội Đông y Thái Nguyên, kiêm Giám đốc Trung tâm Kế thừa, ứng dụng y dược cổ truyền Thái Nguyên, Thạc sỹ Mai Thị Kim Liên, cho biết: “Việc tập hợp các bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh bằng Đông y không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh mà còn phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là để bảo tồn, phát triển các bài thuốc quý. Thực tế thấy, nhiều bài thuốc Nam lưu truyền trong dân gian rất có giá trị, nhưng đã mai một hoặc thất truyền. Muốn vậy, phải thường xuyên trao đổi, vận động các thầy thuốc chia sẻ, hiến tặng “bảo bối” của gia đình. Sau khi nghiên cứu, ứng dụng, nếu phương thuốc đó thực sự có hiệu quả, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho lương y đó”.

Bà Liên cũng cho biết, không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết của mình. Thường những bài thuốc hay có tính đặc trị cao, chỉ dùng để chữa bệnh cho người trong nhà..., như vậy thật đáng tiếc. Gặp những trường hợp như thế, Trung tâm đã kiên trì đến tận nhà tuyên truyền, vận động để họ hiểu bài thuốc sẽ có giá trị hơn khi giúp được nhiều người cùng khỏi bệnh. Có trường hợp phải đi lại 5 -7 lần mới được chủ nhân đồng ý chuyển giao “công nghệ”. Chính nhờ những tấm lòng hảo tâm, vì người bệnh như vậy, trong vài năm gần đây, Trung tâm đã tập hợp, sưu tầm được trên 500 bài thuốc có giá trị. Tuy nhiên, trong điều kiện gia tăng nhu cầu khám - chữa bệnh bằng YHCT, việc khai thác cây thuốc trong thời gian dài, không chú trọng tái sinh đã làm nguồn dược liệu suy kiệt.

“Chúng tôi đã kết hợp với Hội Đông y tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn thầy thuốc, người dân biết cách khai thác, nhưng vẫn bảo tồn và phát triển cây thuốc trên rừng cũng như trong vườn. Điều quan trọng là, Nhà nước cần có cơ chế cụ thể để lương y tự nguyện cống hiến các bài thuốc bí truyền; có chính sách thu gom dược liệu vào một mối, tránh tình trạng để trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc và có kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu bền vững”, bà Liên nói.  

Việt Nam là một trong 4 quốc gia trên thế giới có nền YHCT sớm phát triển, với nhiều bài thuốc có giá trị và nhiều loài dược liệu quý hiếm, đây là kho tàng vô giá để hình thành ngành công nghiệp dược liệu. Nếu tổ chức, quản lý tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống và phát triển kinh tế - xã hội. Đăc biệt, không riêng Việt Nam, các sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên đang là xu hướng lựa chọn của thế giới và là cơ hội cho ngành YHCT hội nhập quốc tế. Nhất là khi Chính phủ đã có chỉ thị để Việt Nam sớm hình thành ngành công nghiệp dược liệu. Vì vậy, đã đến lúc phải xây dựng các nhà máy chế biến tại những vùng dược liệu quy mô lớn. Hình thành trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu tại các miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu.

Mặt khác, ngành y tế cần phối hợp với các bộ ngành liên quan ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về dược liệu, thuốc cổ truyền. Chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, đặc hữu. Có chính sách hỗ trợ, phát hiện, đăng ký công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền. Hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, các dự án, chương trình, khu, vùng nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu. Xây dựng, ban hành tiêu chí sản xuất dược liệu công nghệ cao, phù hợp với đặc thù của dược liệu. Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo về việc sử dụng môi trường rừng để phát triển dược liệu. Đồng thời lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu, thuốc cổ truyền đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia; hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia để đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà...

Có phương án trình Chính phủ chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại. Trong đó, chú trọng việc kế thừa, bảo tồn, phát huy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ những bài thuốc quý; đào tạo nhân lực y dược cổ truyền, hoàn thành trong quý 3/2017. Cân nhắc, lựa chọn 100 loại dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển. Công nhận và có tiêu chí đặc thù đối với việc công nhận giống cây dược liệu, bảo đảm chất lượng giống; khẩn trương ban hành các quy trình chuẩn trong nuôi trồng dược liệu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược liệu được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu, trước hết là đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chế biến dược liệu quy mô công nghiệp.

Mặt khác, mở rộng danh mục dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Xây dựng cơ chế đặc thù cho thuốc Nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và hóa dược tại các tuyến. Có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền, sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn GACP, dược liệu hữu cơ.

Hy vọng, với nhiều cơ chế “mở” cho ngành y học cổ truyền, việc khám - chữa bệnh bằng dược liệu ngày càng được nhiều người dân lựa chọn.                                        

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top