Đó là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019.
Giải do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào tối 15/8, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời khuyến khích người dân và các cơ quan báo chí phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tham dự lễ trao giải có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các vị trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, thành viên Hội đồng giám khảo và 35 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được vinh danh trong Lễ trao giải.
Đồng hành và sẻ chia
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ trao giải.
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo giải Trần Thanh Mẫn khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã và đang được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đã đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Nhấn mạnh Giải là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, với sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan báo chí, các nhà báo, sau hơn một năm phát động, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, kế thừa và phát huy kết quả lần tổ chức thứ nhất, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, Hội đồng giám khảo đã tuyển chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao Giải A, B, C và Khuyến khích. Các tác phẩm tham dự giải, đặc biệt là các tác phẩm được trao giải lần này sinh động, hấp dẫn trong cách thể hiện; nội dung phản ánh dưới các góc độ khác nhau, hài hòa giữa “xây” và “chống”, vừa phản ánh, khuyến khích mô hình mới, cách làm hay, vừa mạnh mẽ đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thể hiện trách nhiệm cao, tinh thần dấn thân, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc, đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
“Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; xin cảm ơn sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Nhà báo các cấp và sự đồng hành, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; công tác tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, làm cho mọi người thấy rõ việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà thực sự củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành với các cơ quan thông tấn báo chí và những người làm báo, cổ vũ, động viên, không để các nhà báo phải “chùn bước” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc của đội ngũ các nhà báo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người làm báo trên cả nước cần ghi nhớ lời Người căn dặn “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ trao giải.
Tới dự và phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ trước đến nay, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trân trọng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc'', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã được thể chế hóa thành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều văn bản pháp luật khác.
“Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của báo chí và yêu cầu báo chí phải thực hiện “Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc” và phải tích cực đấu tranh với thói hư, tật xấu trong xã hội, nhất là tham ô, lãng phí. Người từng nói: “Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu”. Những lời dặn của Người vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, bất kể người vi phạm là ai.
Đặc biệt, những kết quả này đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước ta.
“Có được những kết quả nêu trên phải kể đến vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí, đặc biệt là những người làm báo. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức giải báo chí rất có ý nghĩa này, đồng thời chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 35 tác phẩm đã vinh dự được tôn vinh tại Lễ trao giải hôm nay, cũng như những người làm báo trong cả nước đã tâm huyết, trách nhiệm để có những tác phẩm báo chí, góp phần thiết thực thể hiện và hưởng ứng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện, theo dõi quá trình xử lý các vụ việc; phát hiện những hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; nêu gương và nhân rộng những tấm gương tốt, việc làm tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, tốt đẹp.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần tích cực hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị MTTQ Việt Nam và báo chí cả nước tiếp tục quán triệt và tham gia tích cực triển khai thực hiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước, các kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ với Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp. Có cơ chế phối hợp giữa MTTQ các cấp, cơ quan báo chí, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ ngành liên quan… để giải quyết, xử lý những vụ việc do nhân dân, do báo chí phát hiện, phản ánh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của báo chí, coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phát hiện những sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền; chú trọng triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
“Bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt” xảy ra, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải B.
Các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C và giải Khuyến khích.
Nhấn mạnh tới trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí trong việc đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của người làm báo; nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nhà báo và người tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó cần có nhiều hình thức khích lệ, động viên, cổ vũ, tôn vinh các nhà báo có nhiều tác phẩm tốt, có hiệu quả xã hội tích cực, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, tiếp tục tổ chức giải báo chí về đề tài phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm có nhiều tác phẩm chất lượng, có hiệu quả xã hội tích cực, góp thêm sức mạnh cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đầy khó khăn này.
“Với những thành công qua hai lần tổ chức giải, tôi tin tưởng Giải báo chí toàn quốc hàng năm “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới, khẳng định vai trò, trách nhiệm quan trọng của MTTQ và báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng.
Tại buổi Lễ trao giải, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã phát động Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba với mong muốn đội ngũ các nhà báo, các cộng tác viên trong cả nước tiếp tục hưởng ứng tham gia để nâng tầm quy mô và chất lượng của Giải báo chí có ý nghĩa quan trọng này, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.