Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 9 năm 2020 | 20:11

Đề xuất xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch liệu có khả thi?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE vừa đề xuất UBND TP. Hà Nội cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch”.

Hứa hẹn hồi sinh dòng sông

Đại diện Công ty JVE cho rằng sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp để xử lý.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm hồi sinh sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần có giải pháp tổng thể, giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy, nước bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Vì vậy, công ty này cùng đối tác của Nhật Bản đã xây dựng đề án "Giải pháp tổng thể" để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

 

5-chot-5-2-16005249064551512108698.jpg
Sông Tô Lịch hiện tại

 

Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng đây là một ý tưởng hay, bởi sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm, nếu khôi phục được thì sẽ làm sống lại cảnh quan đô thị, thêm sức sống và là điểm nhấn văn hóa, gắn với lịch sử. Ý tưởng xây dựng không gian văn hóa trên dòng sông Tô Lịch là việc không đơn giản, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học liên ngành cần vào cuộc để đóng góp ý kiến.

Còn đại diện một xí nghiệp thoát nước Hà Nội nêu vấn đề cải tạo sông Tô Lịch sau đó phát triển du lịch, văn hóa không phải mới mà đã có từ lâu được nhiều nhà khoa học đóng góp, đề xuất ý tưởng. Theo vị này, muốn xây dựng công trình nào trên sông Tô Lịch thì đầu tiên phải cải tạo, hồi sinh con sông. Hiện, một công ty của Nhật Bản cũng đang triển khai gói thầu xây dựng hệ thống gom nước thải sông Tô Lịch, khi hoàn thành toàn bộ nước thải dọc sông sẽ được đưa về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, khi đó sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh.

Cần bàn bạc kỹ

Theo phương án của Công ty JVE, sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách tham quan. Dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15km sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…

 

song-to-lich-3.jpg
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh" sông Tô Lịch. Ảnh: JVE cung cấp

 

Nhiều chuyên gia khoa học còn băn khoăn và cho rằng ý tưởng khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh là hơi mơ hồ. Mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, hồi sinh con sông này, sau đó mới tính đến những việc khác. Cần có hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo cũng như các giải pháp cụ thể khôi phục, phát triển dòng sông.

Một nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội nhận định muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông. Hiện nay, việc này đang được TP Hà Nội triển khai. Nước thải sau khi thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Không nên kè đáy dòng sông như ý tưởng của Công ty JVE, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở thì mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm. Ngoài ra, nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, cần nghiên cứu, cân nhắc việc sử dụng các nguồn vốn sao cho phù hợp.

Các chuyên gia nói gì

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng. Việc này ban đầu sẽ rất tốt, nhưng sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất. Sông sẽ trở thành một kênh nổi, không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. Các đơn vị chỉ có thể kè đoạn một chứ không nên kè hết.

"Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này, ông Trung nhận định.

Tiếp đó, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: “Cải tạo là tốt, phát triển du lịch là tốt nhưng theo tôi đặt chữ tâm linh vào tên dự án không được thật cho lắm, giống như để thổi phồng dự án”.

Theo ông Khải, lý thuyết là thế, tuy nhiên thực tế thực hiện như thế nào thì đơn vị đấu thầu cần công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể và rộng rãi cho người dân được biết. Từ đó người dân cũng như giới khoa học sẽ có những góp ý về tính khả thi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch thì cần phải hiểu rõ nguồn gốc của nó. Đề xuất thì hay, tuy nhiên có làm được như tên nhà thầu đặt hay không lại là vấn đề khác.

“Chúng ta phải thực hiện từng bước, có kế hoạch cụ thể. Và nếu xây cầu như mô phỏng của JVE thì cần nghiên cứu kỹ bởi sông Tô Lịch rất cạn, xây móng thì phải đào sâu lòng sông khá phức tạp. Chính vì vậy, phía nhà thầu cần có sự góp ý của các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà quản lý như vậy dự án mới đi đến kết quả tốt đẹp nhất”, ông Hà Đình Đức chia sẻ.

 

Cải tạo đồng bộ các dòng sông

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội có đến 6 con sông "chết", ngoài sông Tô Lịch, còn có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét. Các con sông này đều đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp lại chỉ chọn sông Tô Lịch để đề xuất cải tạo, từ đó xây dựng "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh" mà không chọn các con sông khác?

TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng các con sông ở Hà Nội đều có những giá trị, bản sắc riêng từ nhiều đời nay. Nhiều năm nay Hà Nội đang loay hoay với các phương án cải tạo sông, hồ nhưng đều chưa giải quyết được căn cơ vấn đề. Vai trò của các con sông cần phải được đánh giá như nhau, dân cư hai bên bờ sông cũng phải được những ưu đãi như nhau, dân cư dọc sông Tô Lịch cũng chỉ là một phần dân cư Hà Nội. Vì vậy, cải tạo sông là phải đồng bộ, không chỉ một mà phải tất cả con sông. Để làm được như vậy, cần phải nghiên cứu, xây dựng, đóng góp, tham khảo... để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top