Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 8 năm 2016 | 8:19

Đến 2020, du lịch đóng góp 10 - 20% vào GDP

Ngày 9/8, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 3 yếu tố để làm du lịch thành công, đó là thể chế chính sách, cộng đồng làm du lịch và xây dựng thương hiệu. Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình Quốc hội ban hành Luật mới về du lịch, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Điều tôi tâm huyết, đó là muốn làm du lịch thành công, thì đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành. Điều quan trọng nữa, đó là cộng đồng người dân làm du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách du lịch. Việc tổ chức Hội nghị này tại Hội An cũng là vì người dân ở đây mến khách, luôn tươi cười, thân thiện với du khách. Thứ ba là xây dựng thương hiệu Việt Nam gắn với quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu mục tiêu đến 2020, du lịch Việt Nam đóng góp từ 10 đến 20% vào GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa. Phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp. Các địa phương, các cấp, các ngành phải lồng ghép phát triển du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

“Ai làm du lịch? Đúng là toàn dân làm du lịch, đây là xu hướng của thế giới, nhưng trong đó phải phát huy vai trò của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không có hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh có thương hiệu, biết cách quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch thì khó thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan. “Chúng ta không phát triển theo hướng đó”.

Về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017. Đồng thời, các bộ ngành đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch, giảm tối đa thời gian cấp thị thực.

Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, VHTT&DL khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm đến nước ta với tinh thần là mở cửa bầu trời.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Thủ tướng đồng ý thành lập quỹ này, ngân sách nhà nước sẽ cấp ban đầu khoản kinh phí cần thiết khoảng 200-300 tỉ đồng. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Quỹ ngay trong tháng 8/2016.

Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Ban hành, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch. Có biện pháp bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên.

Thủ tướng cũng nêu rõ, phải đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng, phối hợp với doanh nghiệp. Phải chấm dứt tình trạng “cô đơn” trong phát triển du lịch như phải ánh của đại biểu nêu tại Hội nghị. Các khoa du lịch ở các trường đại học, các trường trung cấp, cao đẳng du lịch đều phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo, đào tạo du lịch. Bộ LĐTB&XH khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.

Bộ VHTT&DL cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch, về ứng xử văn hóa, văn minh và về các điểm du lịch.

“Nhiệm vụ phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới hết sức nặng nề, nhưng cũng là vinh quang nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng vẫy tày chao khách du lịch tại khu phố cổ Hội An. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 7 nỗi sợ của du khách tới Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng du lịch Việt Nam phát triển nhanh, “tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam đang rất lớn”.

Theo Phó Thủ tướng, 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

“Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.

Đồng thời cần coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải.

“Cần có quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng không nhất thiết tỉnh nào cũng coi du lịch là mũi nhọn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Theo đó, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cơ quan quản lý ngành du lịch không sở hữu các dịch vụ du lịch, không làm thay vai trò doanh nghiệp, cộng đồng. Cơ quan nhà nước sẽ tập trung làm chính sách về phát triển hạ tầng, bảo đảm môi trường du lịch, các chính sách về tài chính, thuế, giá, phí visa…

Đối với công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vấn đề không phải là do thiếu tiền mà quan trọng là thiếu ý tưởng. Việc Tổng cục Du lịch mới đây làm một video dài 7 phút quay bằng flycam với 9 thứ tiếng đã tác động rất mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm” phải được quán triệt đến từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.

Điểm lại các nhóm kiến nghị, tâm tư của doanh nghiệp, địa phương, Phó Thủ tướng cho biết những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương không chỉ được ghi nhận đơn thuần mà sau hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển.

“Ví dụ vấn đề visa điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm”, Phó Thủ tướng thông tin và mong muốn sau Hội nghị này, các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành một lòng quyết tâm, nỗ lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm.

“Thế giới có 3 chỉ số đo mức độ văn minh xã hội dễ thấy nhất là trật tự an toàn xã hội, điển hình là trật tự giao thông; thứ hai là giá cả ở chợ, nếu ở đâu đều niêm yết giá, không phải mặc cả, chứng tỏ nơi đó đạo đức kinh doanh trung thực được tôn vinh; thứ ba là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể vấn đề này nhằm xây dựng, quản lý môi trường văn minh, văn hóa.

Từ chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu về đặc trưng người dân làm du lịch, cộng đồng làm du lịch ở phố cổ Hội An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch không chỉ là việc của Nhà nước, doanh nghiệp mà là của cộng đồng. Vận động người dân làm du lịch không chỉ để phát triển ngành này mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị./.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top