Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 6 năm 2018 | 21:9

Đến 2030 phải có công nghệ phát điện từ xử lý rác

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 4/6 và sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 



Kiểm soát chặt nguồn thải

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Lê Công Định (Long An); Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL;...

Bộ trưởng cho biết, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp... Về giải pháp và trách nhiệm, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này... 

Về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể xây dựng các công trình thủy lợi; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời đấu tranh với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để sử dụng bền vững nguồn nước chung các hệ thống sông...

 


Đến 2030 phải có công nghệ phát điện từ xử lý rác

Thừa nhận, hiện nay chúng ta chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Khẳng định, vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay, Bộ trưởng nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ ngành như: Bộ Xây dựng thì chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ KH&CN giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.

Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.

Giảm nguồn thải từ giao thông, xây dựng

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội); Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn giải pháp xử lý tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại 3 địa phương đang xây dựng đặc khu;...

Bộ trưởng cho biết, các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối; trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở,... dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Bộ trưởng cho biết, tháng 5 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong đảm bảo môi trường.

Về tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này là rất lớn, cần có giải pháp quan trắc, kiểm soát (dù chưa đến mức nghiêm trọng như 1 tổ chức đã công bố),... Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông, xây dựng; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch;...

Về nguy cơ ô nhiễm nguồn thải từ ngoài biên giới, hiện chúng ta đã xây dựng các trạm quan trắc để giám sát, kiểm soát, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để giám sát, xây dựng các kịch bản ứng phó...

 


Cần Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đặc khu

Về tình hình thị trường đất đai tại một số địa phương xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn. Bởi theo quy luật thì khi nhìn thấy tiềm năng là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này. 

Vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”.

Theo Bộ trưởng, từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự mà dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Vấn đề sốt đất là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật thì khi đền bù, thu hồi đất cần phải áp dụng sao cho công bằng.

Do đó, về việc tạm dừng giao dịch như cách một số địa phương vừa làm, Bộ trưởng cho rằng việc ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay. Quốc hội cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm như vừa qua.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top