Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 14:10

Dẻo thơm xôi ngũ sắc OCOP 4 sao cổ truyền Hà thành

Từ nghề thổi xôi cổ truyền, chỉ bán vào ngày 3 tháng 8 hằng năm của người dân Hà thành xưa, giờ đây, bà con Phú Thượng (quận Tây Hồ) vẫn giữ nếp cũ và phát triển thành nghề bền vững.

 Nghệ nhân xôi ngũ sắc Phú Thượng

Chị Nguyễn Thị Tuyến, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), cho biết, chị đã có 42 năm làm nghề, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2017.  

img-6821.JPG
Độc đáo xôi ngũ sắc làng nghề Phú Thượng.

 

Khởi đầu hơn 40 năm trước, người dân làng Phú Thượng chỉ đi bán xôi sáng để kiếm thêm đồng quà. Bình quân mỗi ngày, một gia đình sử dụng khoảng 5 -7 kg nếp cái hoa vàng, ngâm từ đầu hôm, 3h sáng thì dậy thổi xôi, 5h đi bán dạo, khoảng 8 – 10h sáng thì hết. 

Xôi đội trên đầu hoặc cắp thúng bên hông, đi bộ trên đê, hoặc rẽ vào các phố để bán. Giá 1 gói xôi đỗ xanh, đỗ đen, xôi lạc  (khoảng 1 bát ăn cơm) 5 hào.

Sang thời bao cấp, nghề vẫn giữ nguyên như vậy, nhưng nếu như trước đây chỉ thổi 5- 7 kg gạo, lúc này tăng lên 8-9 kg, và đã có xe đạp để đi bán dạo ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Nón…

Cứ rong ruổi trên phố, với 2 loại xôi đỗ, xôi lạc như vậy khoảng 2 năm, thì xin được chỗ ngồi ổn định ở Hàng Điếu cho đến ngày nay. Lúc này, mỗi ngày cả làng đã có khoảng 50 – 70 người, chuyên đi bán dạo như vậy.

Do nghề ngày càng phát triển, khoảng năm 1995 trở đi, không riêng nhà chị, nhiều bà con trong xã đã có xe máy để chở xôi đi bán, và lượng xôi cũng tăng lên, khoảng 20- 30 kg gạo/ngày. Chưa kể, nếu có đơn hàng của các nhà hàng ẩm thực, có khi lên đến 70 – 80 kg, hoặc 2 – 2,5 tạ gạo/ngày (1 tạ gạo tương đương 1,5 – 2 tạ xôi).

Đặc biệt, số lượng người đi bán cũng tăng lên 600 - 800 người/ngày, đến khắp các ngõ ngách nội, ngoại thành Hà Nội. Hàng năm, làng nghề tiêu thụ hàng trăm tấn gạo nếp cái hoa vàng cho các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình...

“Có một dấu mốc quan trọng là, năm 2020, làng nghề xôi cổ truyền Phú Thượng đã đạt OCOP 4 sao, với 3 loại xôi: Xôi chè, xôi xéo, xôi ngũ sắc, làm từ phẩm màu tự nhiên như: gấc, nghệ tươi, hoa hiên. Bản thân mình đã được công nhận là Nghệ nhân Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng năm 2017”, chị Tuyến cho biết thêm.

Cũng như chị Tuyến, chị Mai Thị Thanh, Tổ 25, cụm 4 phường Phú Thượng, cho biết, chị làm dâu ở Phú Thượng 32 năm nay, và được mẹ chồng truyền cho nghề thổi xôi của làng từ bấy đến nay. Thời gian này, chị đã có xe đạp để đi bán xôi quanh khu vực Tây Hồ như: Trường cấp 1, 2 Đông Thái, khu vực Trích Sài (phường Thuỵ Khuê).  

Năm 2004, phường Phú Thượng xây dựng chợ Phú Gia, chị về bán xôi ở đấy từ bấy đến nay, với đủ các loại như: vừng, dừa, gấc, đỗ xanh, đỗ đen… Ngày Rằm, mồng 1 có thêm xôi ngũ sắc, xanh, tím.

Trước đây, khi còn ít người bán xôi, phải thổi 1 tạ gạo nếp/ngày, đầu ra là các trường học ở trong vùng. Ngoài ra, còn phục vụ đám cưới, đám hỏi hoặc đưa cho các nhà hàng.  

“Hiện, làng nghề có trên 600 hộ thổi xôi hàng tháng, bình thường, khi chưa có dịch Covid -19, có nhà thổi tới 50 – 60 kg gạo/ngày, vừa bán lẻ, vừa bán buôn; đầu ra là các địa phương ở nội, ngoại thành Hà Nội.

Hàng ngày, hộ nhiều nhất có ba người, hộ ít nhất có một người đi bán xôi trên toàn Thành phố. Về doanh thu, hộ cao nhất 60 – 70 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, lãi 20 triệu đồng/tháng; hộ ít nhất 5 triệu đồng/tháng.

Bình thường, chợ Phú Gia có 10 người bán xôi/ngày, nay dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các hộ chủ yếu bán hàng online, mỗi ngày vài chục suất cho bà con trong vùng. Riêng gia đình mình còn làm thêm bánh khúc, khoảng 20 – 30 cái/ngày”, chị Thanh cho biết thêm. 

img-6923.JPGChị Tuyến chuẩn bị gạo nếp để thổi xôi. 

 

Xây dựng thương hiệu xôi Phú Thượng

Phó chủ tịch Hội Làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng Nguyễn Thị Tuyến cho biết: “Chúng tôi được cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Bởi đây không những là nét đẹp làng nghề truyền thống đất Kinh kỳ, mà còn giải quyết công ăn việc làm quanh năm, bền vững cho hàng trăm hộ gia đình khu vực nội đô. 

Hiện, Phú Thượng có 329 hội viên tham gia “Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng”. Đáng ghi nhận là, tháng 5/2018, nhân dịp tổ chức Lễ hội đình làng Phú Gia, UBND phường Phú Thượng cùng Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã tổ chức thành công “Lễ hội xôi Phú Thượng”. 

Sau lễ hội, làng nghề vẫn tiếp tục xây dựng thương hiệu xôi Phú Thượng, có tem sản phẩm và túi đựng sản phẩm. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, Hội đã tham gia gian hàng văn hoá ẩm thực tại phố Lý Thái Tổ, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác Việt Nam với Nhật Bản. 

Đồng thời, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Làng nghề còn tham gia gian hàng ẩm thực tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào thứ 6,7 và chủ nhật hằng tuần.

Mặt khác, Hội còn xin phép phường, quận và TP. Hà Nội cho phép sử dụng địa giới hành chính phường Phú Thượng để đăng ký “Nhãn hiệu tập thể xôi Phú Thượng”. 

Tuy nhiên, theo chị Tuyến thì, dấu mốc quan trọng nhất đối với người dân Làng nghề là, cuối tháng 12/2018, Hội đã cùng với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn cho hội viên về kiến thức nhãn hiệu tập thể  và đã có trên 100 hội viên tham gia. 

Đặc biệt, Hội còn giúp 315 hội viên được sử dụng điện một giá để sản xuất. Tiếp theo, năm 2019, Hội  tổ chức thành công “Hội thi nấu xôi lần thứ 2” và được công nhận mẫu nhãn hiệu Xôi Phú Thượng (được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 314 -300). 

Hiện, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ luôn được củng cố, nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. 

Trao đổi với chúng tôi, Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, cho biết:“Làng nghề cần thực hiện tốt các chủ trương của phường, quận, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đạt OCOP 4 sao.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác xúc tiến quảng bá làng nghề, thu hút khách hàng, tạo thêm nhiều sản phẩm để phát triển mạnh và ngày càng bền vững. 

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các hộ gia đình; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song với đó là công tác quản lý hoạt động làng nghề. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở hội viên chú trọng chất lượng sản phẩm”. 

Mặt khác, cũng theo ông Chí thì, cần bồi dưỡng trình độ quản lý, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ Ban chấp hành và các chi hội trưởng làng nghề, để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

 ----

 Bài viết có sự tham gia của Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top