Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 11 năm 2021 | 13:53

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại nhiều địa phương phải điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch. Covid-19

An Giang tạm dừng vận tải hành khách công cộng sau khi nâng cấp độ dịch

Ngày 7/11, UBND tỉnh An Giang vừa có văn bản áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kể từ ngày 7/11, các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng các hoạt động vận tải hành hành khách công cộng đường bộ lẫn đường thủy nội địa để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới.

Thông báo này áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, đối với những địa phương có cấp độ dịch là cấp 3 thì vẫn cho phép vận tải hành khách có điều kiện.

 

yt2.jpg
Khu vực phong toả tại thị trấn Long Bình, An Giang. Ảnh minh hoạ.

 

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ở An Giang đang diễn biến phức tạp nên tỉnh An Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động này để cùng địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ (shipper) có đăng ký (bao gồm nhân viên của doanh nghiệp bưu chính) được phép hoạt động từ 30% đến dưới 50% quy mô công suất. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ, chợ đầu mối, chợ truyền thống… được hoạt động từ 50-70% công suất.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, trong ngày 6/11, địa phương ghi nhận thêm 427 ca mắc mới. Như vậy, kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, An Giang 13.534 ca mắc Covid-19, 167 trường hợp tử vong.

Trước diễn biến này, UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 trong phòng, chống dịch. Yêu cầu các tổ chức, cơ sở tôn giáo không được tập trung quá 20 người trong cùng thời điểm.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống áp dụng hình thức bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… hoạt động trong phạm vi từ 50% đến dưới 70% quy mô. Hàng rong, vé số dạo được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. 

Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke (kể cả karaoke loa kéo); game; massage; phố đi bộ; chợ đêm...

TP. Phan Thiết yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 19h đêm

Hiện nay, TP. Phan Thiết đang là vùng đỏ, cấp độ 4 và đã có 2.659 ca mắc COVID-19, nhiều nhất tỉnh Bình Thuận.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từ ngày 7/11, người dân trên địa bàn thành phố không đi ra khỏi nhà từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp: Cấp cứu, cứu hỏa; các lực lượng phòng, chống dịch, cơ yếu; lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cấp bách cung cấp cho các cơ sở kinh doanh; các tiểu thương chợ đầu mối (theo danh sách cho phép của chính quyền địa phương) và trường hợp đặc biệt khác do thành phố quy định.

UBND các phường, xã triển khai công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch của UBND thành phố. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cho người dân được biết, qua đó nâng cao ý thức phòng, chống dịch, bảo vệ cộng đồng.

Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Tổ COVID cộng đồng ở từng địa bàn dân cư trong tuyên truyền, vận động để người dân an tâm thực hiện và giám sát thực hiện các biện pháp giãn cách và phòng, chống dịch; thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nghiêm túc tuân thủ các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch tại khu vực có dịch cấp độ 4.

Cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế

Trước đó, vào ngày 1/11, tỉnh Bắc Giang phát sinh ổ dịch tại huyện Yên Thế. Đến nay, huyện Yên Thế có hàng chục ca F0. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện Yên Thế do ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng Ban để chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống dịch.

Theo đó, gia đình sẽ cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã. Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, cấp cứu hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (nếu được cho phép). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu phải dừng hoạt động.

 

yt3.jpg
Lực lượng y tế Bắc Giang đang áp dụng nhiều biện pháp để khoanh vùng, dập dịch tại huyện Yên Thế - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG

 

Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, sau 21 giờ không ra khỏi nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện Yên Thế do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn làm Trưởng Ban để chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang giao chủ tịch UBND huyện Yên Thế tổ chức thực hiện các hoạt động phong tỏa, cách ly y tế và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top