Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 7 năm 2019 | 15:12

Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc số xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 và đã có một số trường hợp tử vong.

sxh.jpg
Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc số xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 và đã có rất nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết và đã có trường hợp tử vong.

Từ những tuần đầu tiên của tháng 6, số ca bệnh cần phải điều trị ngoại trú lẫn nhập viện đều gia tăng đáng kể qua từng tuần…

Thời tiết bất thường, sốt xuất huyết tăng mạnh

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, kể cả số ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ em, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và tính đến nay đã có 6 trường hợp tử vong.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất với 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm ngoái (8959 ca), Bình Phước ghi nhận hơn 1.700 ca, tăng 142%...

Tỉnh An Giang hiện là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 7 khu vực phía Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Phước.

Tính từ đầu năm đến ngày 4/7/2019, tỉnh An Giang ghi nhận 1.961 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018, không ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là huyện Chợ Mới xuất hiện 641 ca, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018; huyện Tịnh Biên 279 ca, tăng 123%; huyện Tri Tôn 100 ca, tăng 33% so với cùng kỳ...

Từ đầu năm đến ngày 4/7, tỉnh An Giang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nặng là 72 ca, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.200 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện tại, tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột (400 bệnh nhân), huyện Krông Búk (126 bệnh nhân), huyện Krông Năng (110 bệnh nhân)…

 

Dich sot xuat huyet co nguy co bung phat manh nhat tu truoc den nay hinh anh 1
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bình Phước. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)
 

Sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng nhanh, nếu không khống chế kịp thời thì bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay.

Tại phía Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây Hà Nội. Đặc biệt, một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc bệnh.

Thống kê tại thành phố Hà Nội cho thấy, các quận, huyện phía Tây thành phố hiện đang có số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở mức cao như Hà Đông có 150 ca, Bắc Từ Liêm với 88 ca, Cầu Giấy có 73 ca, Đống Đa với 69 ca và Nam Từ Liêm là 65 ca...

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở vào các cấp độ khác nhau của sốt xuất huyết.

Chỉ riêng trong tuần từ 1-7/7/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 178 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 998 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và không có tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 241/584 xã phường. Hiện tại còn 92 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 9,2%).

Chủ động tìm hiểu thông tin để có thái độ đúng đắn về sốt xuất huyết

Lý giải nguyên nhân sốt xuất huyết bùng phát trong thời điểm này, các chuyên gia y tế cho rằng, bắt đầu từ tháng Sáu, khi những cơn mưa dày đặc hơn, dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực miền Nam bắt đầu gia tăng nhanh.

Bên cạnh đó, việc mưa liên tục vào mỗi buổi chiều, nắng nóng vào sáng sớm và trưa là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển làm lây lan nhanh chóng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, sự chủ quan trong phòng chống bệnh, tình trạng người lao động di cư từ vùng xảy ra bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, lây lan ra cộng đồng.

Tại Hà Nội, với tình hình thời tiết trong tuần vẫn được nhận định nhiệt độ duy trì ở mức 26-37 độ C, dự báo có nhiều ngày mưa trong tuần đang là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và thực tế kết quả giám sát véc tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véctơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện xác dịnh các trọng điểm nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp các biện pháp kiểm soát dịch cụ thể, phù hợp với thực tế của từng địa phương.

 

Dich sot xuat huyet co nguy co bung phat manh nhat tu truoc den nay hinh anh 2
Bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
 

Ngành Y tế thành phố cũng đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng ching tay hành động để xử lý triệt để các nguy cơ sốt xuất huyết trong cộng đồng; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương…

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền các địa phương nhằm kiểm soát và khống chế tình hình dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát và diễn biến ngày càng nguy hiểm như giám sát bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về sốt xuất huyết để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này.

Nguyên nhân gia tăng các ca sốt xuất huyết

Nhận định về tình hình số ca mắc bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng, các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân một phần là do người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hoặc chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác như sốt thông thường, sốt phát ban, sốt virus, sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, người dân khi đã được chẩn đoán bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Khi có trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cần thực hiện chăm sóc trẻ sốt xuất huyết theo đúng hướng dẫn.

Ngoài ra, trường hợp sốt xuất huyết khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời.

Bị sốt xuất huyết trước hết là xuất hiện sốt, kèm theo triệu chứng đau nhức mình mẩy, chán ăn, sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó bệnh nhân có các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.

Để xác định rõ có bị sốt xuất huyết hay không, người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi bệnh.

Vì sốt xuất huyết bản chất là bệnh do do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên với sốt xuất huyết thông thường thì chỉ cần theo dõi uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, trong trường hợp mất nước thì truyền dịch ngày thứ 5 thứ 7 bệnh sẽ sang giai đoạn hồi phục.

Khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng kháng sinh bởi dùng kháng sinh không có tác dụng thậm chí còn gây tác dụng phụ./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top