Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 9 năm 2021 | 15:3

Doanh nghiệp hoang mang với "núi" quy định mới về bảo vệ môi trường

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường lấy ý kiến đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp...

Gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp

Theo phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường lấy ý kiến đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con.

Chỉ riêng phần chính của Nghị định, chưa bao gồm Phụ lục, đã có tới 379 từ Giấy phép với hàng chục loại giấy phép khác nhau, từ giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế…

 

1.jpg
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 vẫn còn nhiều tranh cãi...

 

Bất cứ doanh nghiệp nào từ nhỏ đến lớn cũng phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các doanh nghiệp có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép. 

“Thực sự đây là một thủ tục hành chính vô cùng phức tạp và gây gánh nặng lớn về văn bản giấy tờ, nguồn lực và tài chính, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, do doanh nghiệp nhiều lần phải xin, trình, nộp rất nhiều lần, nhiều cấp khảo sát, cấp giấy phép. Thậm chí, khi có thay đổi cũng phải đi xin lại giấy phép rất nhiêu khê, phức tạp”, EuroCham góp ý.

Không những thế, EuroCham còn cho rằng, nhiều yêu cầu, quy định cấp phép bất hợp lý chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí có điều khoản khiến doanh nghiệp không thể tự tái chế hay tái sử dụng.

Như quy định Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô trung bình từ 50 ha đến dưới 100 ha được xếp vào Nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bao gồm cả nhóm ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, vốn yêu cầu sử dụng đất rất lớn. Quy định này đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn của chính phủ…

Hay quy định doanh nghiệp tự tái chế cũng phải có giấy phép, mà không phân biệt giữa tái chế và tái sử dụng. Điểm 42G, phụ lục 50 coi việc làm sạch và tái sử dụng chai thủy tinh cũng bị coi là tái chế và phải có giấy phép.

Như vậy, các nhà máy bia đang thu chai về để tái sử dụng sẽ bị cấm vì không có giấy phép, và phải nộp phí để tái chế chúng, tức là không những không khuyến khích bảo vệ môi trường mà còn làm hại đến môi trường.  

Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Vitas) bổ sung công thức tính mức phí, tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế, cơ chế quản lý thu chi của Dự thảo chưa rõ ràng và chưa phù hợp. Từ đó, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện mức phí và quản lý thiếu minh bạch đối với số phí thu được.

Với số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hiện nay của Việt Nam, chi phí mà các cơ sở phải bỏ ra để làm kiểm toán là một chi phí không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí ngày cao do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh.

Đối với điều khoản “xử lý trường hợp không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế”, theo doanh nghiệp dệt may, cần bỏ quy định về số tiền truy thu 30% và tăng 10% trong kỳ tiếp theo.

Vì điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với Nghị định về xử lý vi phạm hành chính, Luật quản lý phí, lệ phí, cũng như không có trong Luật bảo vệ môi trường.

Áp lực lộ trình thực hiện trách nhiệm 

Mặt khác, theo các hiệp hội doanh nghiệp, lộ trình thực hiện Dự thảo có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, kinh doanh và vốn đầu tư do tác động của dịch bệnh Covid -19, người lao động chưa trở lại hoạt động bình thường là một áp lực lớn.

“Nếu phải nộp phí tái chế ngay từ đầu năm tới thì các cơ sở càng thêm khó khăn, giá bán sản phẩm của hầu hết các ngành cũng phải tăng lên ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa kể đến các cơ sở cũng đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống tái chế của cơ sở vào thời điểm dịch bệnh này”, Vitas nhấn mạnh.

Thêm vào đó, tỷ lệ thu hồi đối với bao bì quy định trong của Dự thảo từ 80% đến 90% là quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Để đạt được tỷ lệ thu hồi này, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3 đến 5 năm. 

Hơn nữa, Dự thảo còn bắt buộc tái chế bao bì của thực phẩm và đồ uống thành các sản phẩm cụ thể, như: giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy… Đây là quá trình chế biến thành các sản phẩm khác.

Quá trình này thường đòi hỏi nguyên vật liệu tái chế phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, rồi mới ra được sản phẩm có tính thương mại trên.

Theo EuroCham, dự thảo quy định Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng EPR Viêt Nam là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng thành phần gồm đại diện các Bộ như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Các Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng các chi phí trong Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Viêt Nam lại lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp là không phù hợp với Luật quản lý phí, lệ phí.

Đồng tình về góp ý này, Vitas đề xuất, bỏ quy định coi Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu trong Dự thảo. Hội đồng EPR sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ tái chế không được rõ ràng như các tiêu chí mà các nhà máy may mặc đang tham gia chương trình chứng chỉ GRS (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu). Các doanh nghiệp đã và đang có các biện pháp tái chế tốt tại doanh nghiệp nhưng đang bị các vấn đề pháp lý như hải quan, thuế quan liên quan nên không thực hiện được.

Đã tiếp thu và hoàn thiện

Trước ý kiến của một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định) và cho rằng sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lên tiếng về vấn đề này.

Bộ TNMT cho biết, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực môi trường: Dự thảo nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách TTHC theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020; trong đó, đã giảm 18 TTHC so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH), giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH vào 1 giấy phép môi trường (GPMT).

"Như vậy, nếu như trước đây thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo dự thảo nghị định, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp GPMT" - bộ này cho hay.

Về đối tượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp GPMT: Một số hiệp hội cho rằng trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin GPMT, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin GPMT, bộ cho rằng không có cơ sở.

Bộ TNMT cho biết, Khoản 1 Điều 30 Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa…

Bộ TNMT cho hay, dự thảo Nghị định mới (bản cập nhật đến ngày 16.9.2021 và gửi Bộ Tư pháp thẩm định) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp tại buổi làm việc ngày 30.8.2021 theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp GPMT như: Chỉnh sửa nội dung báo cáo đề xuất cấp GPMT đơn giản hơn, phù hợp với từng đối tượng được cấp GPMT, trong đó chỉ yêu cầu các thông tin liên quan đến các công trình BVMT đã hoàn thành, kết quả thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường...; bỏ trình tự về thông báo việc nộp phí thẩm định cấp GPMT; đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần (theo dự thảo cũ thì thực hiện 2 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).

 

moi-truong.jpg
Phí bảo vệ môi trường cần được xem xét kỹ, hợp lý trước khi ban hành. Ảnh minh họa: Vân Hà

 

Dự thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31.12.2024. Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này.

Từ ngày 1.1.2025, dự án, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ. Kế thừa quy định hiện hành quy định mức lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày trở lên đối với trường hợp thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và từ 1.000m3/ngày trở lên đối với các trường hợp còn lại.

Về tỉ lệ tái chế bắt buộc, có ý kiến cho rằng, dự thảo quy định tỉ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80-90%, theo Bộ TNMT, đây là phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỉ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm. Dự thảo nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỉ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỉ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn.

Việc xác định tỉ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia (bao gồm các bộ, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và đại diện một số tổ chức, chuyên gia có liên quan) thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỉ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình kinh tế-xã hội của từng giai đoạn. 

Theo công thức tính tỉ lệ tái chế tham chiếu trong dự thảo nghị định thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%. Tỉ lệ này chỉ bằng 1/3 tỉ lệ tái chế của các quốc gia ở Châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của Châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR. Hiện tại, dự thảo nghị định quy định mức tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc không quá 5% cho 3 năm, như vậy, Việt Nam sẽ mất ít nhất 20-30 năm mới đạt tỉ lệ như các quốc gia ở Châu Âu tại thời điểm này.

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top