Hàng năm, vào tầm tháng 2 âm lịch, người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương - Nghệ An) lại họp chợ với “món hàng” đặc biệt. Đó là những cây lúa non được người dân tỉa khỏi ruộng, bó thành từng nắm mang lên chợ bán với giá 10.000-15.000 đồng/bó.
Chợ bán mạ (cây lúa non) hình thành từ khi nào, người dân xã Thanh Dương cũng không nhớ. Họ chỉ nhớ đến phiên chợ này khi một số người thừa lúa non đem đi bán cho những người đã gieo trồng vụ đông xuân nhưng một số cây lúa bị chết do giá rét. Với người dân tứ xứ, có dịp đi qua, sẽ sửng sốt bởi "món hàng" này, nhưng với người dân nơi đây, việc mang cây lúa dư thừa đi bán là chuyện bình thường, chưa kể là người bán có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống trong mùa giáp hạt.
Chợ bán mạ họp trên con đường đi vào khu vực chợ Cồn, gần trung tâm xã Thanh Dương. Người bán bày "hàng" lấy ra từ trong các bao tải rồi đặt bên đường, người dân qua lại, ai có nhu cầu thì ghé vào lựa chọn giống lúa, "thuận mua vừa bán", nói cười vui vẻ và còn chúc nhau một vụ mùa bội thu.
Do gieo cấy lúa trong ruộng quá dày nên nhiều người phải tỉa bớt, nhằm cho cây lúa phát triển tốt. Tỉa xong, tiếc vì công sức bỏ ra, người nông dân lại bó thành từng bó đi bán cho những hộ gia đình cần với giá 10.000 -15.000 đồng/bó. Lúa non được bó bằng sợi rơm khô, ai mua nhiều thì bán nhiều, mua ít thì bán ít; khiến phiên chợ đặc biệt này trở nên tấp nập lạ thường.
Chị Nguyễn Thị Năm, người bán mạ ở xóm 6, xã Thanh Dương, cho biết: Những ngày này, nhà tôi tiến hành tỉa số mạ thừa để mang ra chợ bán. Nếu cùng nhổ và mua tại ruộng mỗi bó 10 ngàn, còn nếu mang ra chợ mỗi bó 15 ngàn đồng. Mới nhổ từ 5 sào đã bán được gần 2 triệu đồng.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, người khách mua mạ non, trú tại xóm Thanh Yên, xã Thanh Dương đang cố gắng lựa bó mạ to, cây cứng cáp, khỏe mạnh, cho biết: Ruộng nhà tôi bị ốc bươu vàng cắn ngang gốc, lại gặp phải đợt giá lạnh vừa qua khiến ruộng lúa chết nhiều nên phải đi chợ phiên này mua lúa non về để dặm. Đợt này tôi mua 10 bó lúa non để về dặm.
Vừa vãn tầm phiên chợ, bà Nguyễn Thị Thảo (xóm Dương Nam, xã Thanh Dương) vội vàng mang theo một bao tải, trút những bó mạ ra đường, xếp gọn gàng để "chào hàng". 12 bó lúa non giống lúa Phú Ưu bà vừa tỉa ngoài ruộng, mang ra bán với giá 15.000 đồng/bó. Vài người khách thấy giống lúa Phú Ưu cũng giống với lúa nơi ruộng mình thì tới chọn. Chỉ gần 10 phút, 12 bó lúa non của bà Thảo hết trong chốc lát.
"Đi làm đồng tranh thủ tỉa những vùng lúa gieo quá dày, bó lại thành từng bó đem đi bán. Mỗi phiên chợ tôi cũng bán được vài trăm ngàn nên cả nhà vui lắm khi số lúa non thừa không bị bổ đi mà lại có thu nhập", bà Thảo cho hay.
Tại phiên chợ lúa non này, ngoài giống lúa Phú Ưu, người dân còn bán nhiều giống lúa khác như lúa Bắc Thịnh, lúa Thái Xuyên..., mỗi giống lúa đều có mức giá khác nhau, nhưng tất cả đều vui vẻ và mong muốn một vụ mùa bội thu.
Không chỉ người dân xã Thanh Dương mà khá nhiều người dân các vùng phụ cận cũng đưa “hàng” đến đây bán. Chị Vân, quê ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), biết trên này có chợ bán mạ, đánh xe máy chở lên đây bán. Hơn 30 bó mạ là công sức chị đi tỉa từ chiều hôm trước. "Hàng" được chia thành 3 khu vực khác nhau, theo từng giống lúa Bắc Thịnh, Phú Ưu, Thái Xuyên để khách lựa chọn nhưng cùng chung mức giá 10 nghìn đồng/bó.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Dương, cho biết: Đây không phải là chợ mà người dân tự tổ chức mua bán bên đường vào chợ Cồn. Họ không phải đi bán lúa non vì thiếu tiền, hay nghèo khó mà người thừa lúa thì bán cho những hộ có cây lúa trên đồng bị chết do rét, do sâu bệnh để những hộ gia đình nay về dặm lại. Đây là việc mua bán bình thường như những mặt hàng cần thiết khác.
“Cây lúa có thì, cây mạ có tuổi”, tìm nguồn mạ để cấy bù vào diện tích chết rét cho kịp thời vụ là việc nên làm. Với phiên chợ này, nhiều diện tích lúa chết trên địa bàn huyện Thanh Chương và các vùng phụ cận sẽ được khắc phục.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.