Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017 | 1:34

Độc đáo Lễ hội Phủ Dầy

Phủ Dầy (xã Kim Thái - Vụ Bản - Nam Định) là quần thể di tích tâm linh của người Việt. Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ Chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu.

Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đóng góp quan trọng cho sự vinh danh này là những thủ nhang.

Hội kéo chữ tại Lễ hội Phủ Dầy.

“Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, câu ca đó đã đi vào tâm thức của những người con đất Việt. Mỗi dịp tháng Ba, du khách lại nô nức hành hương tìm về Phủ Dầy - nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam - một bậc “Thiên hạ mẫu nghi”, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị thánh trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ ngày 3 - 10/3 âm lịch hằng năm, có nghi lễ đặc biệt là Hầu đồng (hầu bóng) được nhiều người biết đến. Hầu bóng gắn với hát Văn và múa thiêng là hình thức phổ biến nhất ở Phủ Dầy. Hát Văn cùng với múa thiêng, những điệu múa mang đậm chất dân gian, đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nghi lễ Hầu bóng. Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói hình thức lễ bái đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi động trong các ngày hội.

Để có được lễ hội như ngày nay và bảo vệ được một quần thể di tích theo tín ngưỡng thờ Mẫu, phục hồi một lễ hội truyền thống, đó là kết quả của sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của các thủ nhang đền, chùa, lăng, phủ  - những người được chính quyền và nhân dân tín nhiệm chọn cử trông coi các điểm di tích. Nổi bật và tiêu biểu nhất là thủ nhang Phủ Tiên Hương - phụ trách một điểm di tích lớn nhất của quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - cụ Trần Thị Duyên.

Phủ chính Tiên Hương.

Bà Trần Thị Huệ, con gái cụ Trần Thị Duyên, kể lại: Hơn 25 năm trước, Phủ Tiên Hương rất tiêu điều, các đồ thờ tự cái mất, cái hỏng, nhiều di vật, cổ vật phân tán trong dân và nhiều nơi khác. Các cung thờ bị mối mọt, rui mè hỏng gãy, mái ngói xô dồn, dột nát, tường bong vữa, nền nhà ẩm ướt, lụp xụp… Các công trình khác của di tích xuống cấp trầm trọng như phương du, nhà bia, các nhà giải vũ, nhà khách, phủ cổ, nền sân, tường bao đều cần thiết phải tu sửa. Trước thực trạng như vậy, với tấm lòng tận tâm với Mẫu và tinh thần trách nhiệm của thủ nhang, các cụ đã xin phép các cấp lãnh đạo thực hiện lộ trình tu sửa, cái nào cần thiết thì phải làm trước. Trong việc tu sửa di tích, các cụ đều tuân thủ Luật Di sản và quy định của các cấp chính quyền địa phương. Trong vòng 25 năm qua, hầu như năm nào Phủ Tiên Hương cũng có hạng mục công trình được tu sửa, trong số đó, các hạng mục như: phủ cổ, ba tòa phương du, cung đệ tam, đệ tứ… đều được sao y nguyên mẫu.

Ngoài việc tu sửa di tích, Thủ nhang Phủ Tiên Hương đã đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị như: hàng trăm bộ trang phụ tế, hàng ngàn cờ hội, hơn 1.000 bộ trang phục cho lễ rước đuốc, hơn 500 bộ trang phục cho lễ kéo chữ và nhiều đèn lồng treo ở đường đi… Cùng đó, để tạo màu sắc và không khí lễ hội, Thủ nhang đã đầu tư cho nhiều địa phương trong huyện các đội rồng, sư tử, kỳ lân và nhiều trang thiết bị lễ hội khác.

Cùng với việc đầu tư trên, Thủ nhang Phủ Tiên Hương còn tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện như: xây dựng Quỹ vì người nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ cho các cháu tàn tật vươn lên học tập, ủng hộ nhân dân các vùng bị thiên tai lũ lụt… Bên cạnh đó, thủ nhang còn đóng góp một phần kinh phí để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một thanh đồng hầu giá “Chầu Lục”  tại đền Nguyệt Du Cung ở Phủ Dầy.

Đặc biệt, ngày 01/12/2016, Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, di sản đã và đang góp phần quan trọng tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Di sản cũng đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc, tôn giáo và thông qua việc thực hành, truyền dạy của các thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Một giá trị nữa cũng được UNESCO ghi nhận là, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu…

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được phân bổ rộng khắp và Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng thánh Mẫu. Theo đó, sắp tới, ngày 2/4/2017, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại quần thể Di tích Phủ Dầy.

Thanh Huyền

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top