Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 2 năm 2019 | 14:32

Độc đáo phiên chợ cầu may đầu xuân “độc nhất vô nhị” ở xứ Thanh

Cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm, hàng ngàn người dân xứ Thanh lại tề tựu về tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn để tham gia phiên chợ duy nhất một năm họp một lần, gọi là chợ Chuộng, để cầu may mắn trong năm mới.

Phiên chợ “độc nhất vô nhị” diễn ra trên một bãi đất trống rộng khoảng 1.000m2, nằm ven chân đê sông Thiều, thuộc địa bàn làng Giang, xã Đông Hoàng. Từ sáng sớm 10/2 (tức mùng 6 tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), hàng ngàn người dân xứ Thanh của 3 huyện giáp ranh là Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa đã nô nức kéo nhau về tham gia phiên chợ. Trong đó, đa phần là nam thanh nữ tú.

nh-1.jpg
Dòng người tấp nập, nô nức tề tựu về tham dự phiên chợ Chuộng họp duy nhất một lần trong năm

 

Để tạo thuận lợi cho hàng ngàn người đến tham dự phiên chợ này, từ ngày mùng 5 Tết, chính quyền và người dân địa phương cùng nhau gom tre, nứa để bắc một cây cầu tạm qua sông. Sau khi chợ tan, cây cầu này sẽ được dỡ bỏ. Đến năm sau, cầu tạm qua sông tiếp tục được bắc lại trước khi phiên chợ diễn ra.

Chợ Chuộng chỉ họp một phiên duy nhất trong năm. Người dân đến hợp chợ chỉ mua bán với nhau những sản vật có trong vườn nhà như mớ rau, quả táo, quả cà chua… với mục đích cầu may mắn cho gia đình mình trong năm mới. Vì vậy, người bán, kẻ mua tại phiên chợ này không kì kèo về giá cả.

nh-2.jpg
Hàng ngàn người đi trên cây cầu tạm bắc qua sông để đến với phiên chợ Chuộng để cầu may mắn trong đầu xuân năm mới

 

Qua quan sát, PV thấy, món hàng đặc biệt được bày bán chủ yếu tại chợ Chuộng là những quả cà chua chín mọng, đỏ tươi. Người bán thường gom cà chua thành những túi nặng khoảng 1 -2kg để bán cho thanh niên tham gia phiên chợ.

Nam thanh, nữ tú đến với phiên chợ Chuộng thường dùng những quả cà chua chín đỏ ném vào “đối phương” để cầu duyên. Bởi vây, người ném và người bị ném đều tươi cười với nhau trong sự náo nhiệt của phiên chợ.

nh-3.jpg
Người dân về họp phiên chợ Chuộng thường đưa theo rau củ quả trồng trong vườn nhà để bán dịp đầu xuân 

 

Tích cũ tương truyền rằng, ngày xưa, có vị một vua trong lần chiến đấu với giặc ngoại xâm bị thất thế. Bị giặc truy sát ráo riết, nhà vua cùng số quân lính ít ỏi còn lại rút đến khu vực xã Đông Hoàng (ngày nay), thì lập tức được nhân dân trong vùng ra sức giúp vua thoát nạn.

Để che mắt quân giặc, người dân tổ chức ngay một phiên chợ, để cải trang cho  vua và binh lính thành người dân buôn bán, còn vũ khí được cất giấu trong những đống rau quả, lều quán. Quân giặc đuổi tới nơi, thấy phiên chợ do người dân dựng lên, cứ tưởng đây là một phiên chợ thật, nên không đề phòng.

Lúc giặc mất cảnh giác, vua đã phát động cuộc phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Sau đó, vua đã trọng thưởng cho những người dân nơi đây… Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, hàng năm, người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau giả như một nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, tích thuyết này đến nay vẫn chưa ai kiểm chứng.

nh-4.jpg
Cà chua chín mọng là mặt hàng chủ đạo trong phiên chợ Chuộng để phục vụ nam thanh nữ tú ném nhau cầu duyên đầu năm

 

Song, nhiều bậc cao niên trong làng Giang cho hay: Từ xa xưa, chợ Chuộng chính là đầu mối mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân 3 huyện nói trên. Trải qua thời gian, cùng với những biến đổi về mặt địa lý hành chính, thói quen, tập quán… nên chợ Chuộng đã bị mất đi vai trò “đầu mối giao thương” và người dân địa phương cũng không còn coi nơi đây là điểm buôn bán lý tưởng nữa. Thế nhưng, để giữ lại hình ảnh một chợ Chuộng sầm uất đã hiện hữu trong lịch sử, nên cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân vùng này lại tụ tập một phiên duy nhất.

nh-5.jpg
Trước khi ném cà chua vào người mình cảm thấy mến, nam thanh nữ tú tham gia phiên chợ Chuộng thường lấy cà chua vắt lên đầu nhau để cầu may
nh-6.jpg
Và, màn ném cà chua của nam thanh, nữ tú được diễn ra vào lúc bắt đầu tan chợ.
nh-7.jpg
Dòng người tấp nập bắt đầu rơi phiên chợ "độc nhất vô nhị" của xứ Thanh để trở về nhà.

 

Phiên chợ Chuộng không chỉ đơn thuần là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là dịp gặp gỡ, làm quen và ngỏ lời yêu đương giữa nam thanh nữ tú của 3 huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa với nhau. Chính vì thế, cứ đến ngày mùng 6 Tết Nguyên đán hằng năm, chợ Chuộng lại thu hút hàng ngàn người tới tham dự. Bởi vậy, từ bao đời nay, người dân xứ Thanh có câu: "Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

 

Văn Cương
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top