Chiều 8/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả buổi làm việc giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước; đồng thời cho rằng, chuyến thăm này chứng tỏ mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan đang phát triển hết sức tốt đẹp. Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ với Thái Lan trên nhiều lĩnh vực, mong Thái Lan ổn định và phát triển.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tích cực triển khai Tuyên bố chung về kết quả cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3 và Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan 2014-2018; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020, hai bên cần có biện pháp cụ thể triển khai hiệu quả Chương trình Hành động về Thương mại-Đầu tư Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2015-2020; khuyến khích doanh nghiệp (DN) hai nước tăng cường đầu tư và hợp tác đối với những mặt hàng hai bên có tiềm năng, thế mạnh và bổ sung cho nhau.
Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và DN Thái Lan làm ăn thuận lợi tại Việt Nam; khuyến khích DN Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, điện lực, xây dựng khu công nghiệp, dệt may, thực phẩm, nông sản, hóa chất, nguyên vật liệu, du lịch... Thành công của các DN Thái Lan chính là thành công của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các Bộ ngành hai nước tăng cường hợp tác, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ký kết các hiệp định hợp tác mới trong lĩnh vực phụ trách; xúc tiến các dự án của Thái Lan tại Việt Nam triển khai đúng tiến độ; tăng cường kết nối hai nền kinh tế; thúc đẩy hợp tác xây dựng tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan – Cam-pu-chia – Việt Nam và mở tuyến dịch vụ xe buýt nối Thái Lan - Lào - Việt Nam.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương, giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; sớm ký Hiệp định Dẫn độ tội phạm. Tăng cường sử dụng đường dây nóng giữa Hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền; sớm triển khai thỏa thuận về hợp tác lao động giữa hai nước; đề nghị Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan.
Tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 40 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; tăng cường quảng bá, giao lưu nhân dân, khuyến khích giảng dạy tiếng Thái và tiếng Việt tại mỗi nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại Đối thoại Sanggrila (Singapore) tháng 6 vừa qua; đồng thời đề nghị Thái Lan ủng hộ và tiếp tục tăng cường hợp tác trong ASEAN để bảo đảm duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, thúc đẩy sớm tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng cũng cảm ơn Thái Lan đã phối hợp điều tiết, giúp tăng lượng nước từ thượng nguồn xuống hạ lưu sông Me Kong và hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn ở phía Nam Việt Nam; đề nghị hai bên phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc phát triển, quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Me Kong theo đúng thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích các nước hạ nguồn sông Me Kong.
Nhân dịp này, qua Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời thăm hỏi tới Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng cho rằng, cộng đồng DN hai nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thái Lan; bày tỏ hy vọng thời gian tới đón nhiều DN Việt Nam sang đầu tư tại Thái Lan và Chính phủ Thái Lan cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam. Chính các DN đóng vai trò là cầu nối để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Thái Lanmong muốn được phát triển quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, coi hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước này. Thái Lancam kết thực hiện nghiêm chỉnh các thoả thuận mà hai bên đã ký kết; nỗ lực tìm mọi biện pháp để đẩy mạnh đầu tư của các DN Thái Lan vào Việt Nam.
Thái Lan cũng nỗ lực hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Me Kong. Bộ trưởng cũng đề xuất, hai nước cần hợp tác chặt chẽ trong xuất khẩu gạo; phối hợp để tăng chất lượng gạo để tăng thu nhập cho người dân; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, lao động. Thái Lan cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN Thái Lan làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Thái Lan cho rằng, các bên phải nỗ lực để giải quyết các tranh chấp; nỗ lực đoàn kết và hợp tác để đưa Biển Đông phải trở thành khu vực hoà bình, ổn định và phát triển.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã chuyển thư của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan.