Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 9 năm 2021 | 16:6

Đối tác điêu đứng vì Công ty Beton 6 hơn ba năm chưa thanh toán tiền thi công công trình

Công ty CP Xây dựng Giao thông Beton 6 (Công ty Beton 6) bị đối tác phản ánh nợ gần 6 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi tiền thi công công trình.

Sự việc kéo dài hơn 3 năm qua nhưng Công ty Beton 6 chưa thanh toán nợ khiến đối tác điêu đứng, khốn đốn, đứng trước bờ vực phá sản, phải ngừng hoạt động. 

image001.jpg
Phối cảnh dự án TTTM Đông Sài Gòn tại TP Thủ Đức - nơi có một số hạng mục do Công ty cổ phần Đại Phúc Complex thi công và cung cấp các loại thép.

 

Công ty Beton 6 do ông Lê Thiện Giao làm Giám đốc có địa chỉ tại Khu G23, đường Lã Xuân Oai, Phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM - bị Công ty cổ phần Đại Phúc Complex, địa chỉ số tại số 45 phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội tố nợ gần 6 tỷ đồng tiền thi công công trình và cung cấp thép tại Dự án Trung tâm Thương mại Đông Sài Gòn - Lô T3-1.1, đường Lã Xuân Oai, Khu Công nghệ cao, quận 9, TP.HCM.

Các hạng mục đã được Công ty cổ phần Đại Phúc Complex thi công hoàn thành, bàn giao hàng hóa, hồ sơ thanh toán nhưng phía Công ty Beton 6 vẫn cố tình chây ỳ trả nợ, trốn tránh nghĩa vụ tài chính, đẩy Công ty cổ phần Đại Phúc Complex lâm vào tình cảnh nguy cơ mất vốn, sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, ngày 26/7/2018 và ngày 30/7/2018, Công ty Beton 6 do ông Lê Thiện Giao, chức vụ Giám đốc và Công ty cổ phần Đại Phúc Complex do ông Nguyễn Mạnh Linh, chức vụ Tổng Giám đốc đã ký kết với nhau Hợp đồng kinh tế số 2607/2018/HĐXD/BT6-ĐP và Hợp đồng nguyên tắc số 3007/2018/HĐNT/BT6-ĐP.

Cụ thể, Hợp đồng kinh tế số 2607/2018/HĐXD/BT6-ĐP, Công ty cổ phần Đại Phúc Complex đã thực hiện thi công, lặp đặt cổng chính, hàng rào tôn, biển quảng cáo và tổ chức quản lý, giám sát thi công hạng mục khoan nhồi tại Dự án TTTM Đông Sài Gòn. Giá trị thực hiện 2 bên xác nhận là hơn 650 triệu đồng, Công ty cổ phần Đại Phúc Complex đã xuất hóa đơn GTGT số 0000009, ngày 26/12/2018 và bàn giao đầy đủ hồ sơ thành toán cho Công ty Beton 6.

Hợp đồng nguyên tắc số 3007/2018/HĐNT/BT6-ĐP đã thực hiện bàn giao các loại thép cho Công ty Beton 6 tại Dự án TTTM Đông Sài Gòn, giá trị hàng hóa được 2 bên xác nhận là 4,034 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đại Phúc Complex đã xuất hóa đơn GTGT số: 0000004, 0000006, 0000008, 0000010, 0000013 và cũng bàn giao đầy đủ hồ sơ thành toán cho Công ty Beton 6.

image005.jpg
Biên bản đối chiếu và xác nhận công nợ giữa 2 bên ngày 16/01/2021.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Complex, trái với sự thiện trí, tôn trọng, nỗ lực giải quyết vấn đề của Công ty cổ phần Đại Phúc Complex, phía Công ty Beton 6 hoàn toàn không hợp tác, không thanh toán bất cứ khoản thanh toán nào theo nghĩa vụ hợp đồng mà 2 bên đã ký kết.

“Công ty Đại Phúc đã huy động mọi nguồn lực, kể cả việc đi vay vốn với lãi suất cao để hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với Công ty Beton 6. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thi công xong các hạng mục, bàn giao đầy đủ hàng hóa theo các hợp đồng, Công ty chúng tôi không nhận được bất cứ khoản thanh toán nào từ Công ty Beton 6”, ông Linh bức xúc.

Ông Nguyễn Mạnh Linh cho biết: Công ty Đại Phúc Complex đã rất nhiều lần gửi văn bản đề nghị thanh toán, đối chiếu công nợ nhưng Công ty Beton 6 rất thiếu tôn trọng chúng tôi, họ không thanh toán đã đành, thậm chí còn không có văn bản nào trả lời cho Công ty Đại Phúc Complex.

Giữa bối cảnh đại dịch hoành hành, Công ty Đại Phúc Complex đang gặp rất nhiều khó khăn , không có nguồn thanh toán các khoản nợ thuế, nợ BHXH, lương cán bộ, công nhân viên khiến hàng trăm người lao động kéo theo gia đình họ gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó còn là các khoản nợ ngân hàng, khách hàng nên phải trả các khoản lãi quá hạn với lãi suất rất cao và chịu nhiều áp lực đòi nợ , bằng mọi cách từ phía đối tác”. 

 

Theo quy định của pháp luật, việc chây ỳ trả nợ, trốn tránh các nghĩa vụ thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, các hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Người thực hiện một trong các hành vi trên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:

+ Giá trị tài sản từ 04 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

+ Giá trị tài sản dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác là:

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm…

Phạt tù từ 05 - 12 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạt tù từ 12 - 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Đối với vụ việc trên, đề nghị Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Thủ Đức (TP. Thủ Đức được thành lập sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) vào cuộc, kiểm tra, đôn đốc, có chỉ đạo, xác minh, làm rõ có hay không hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp này, tránh bỏ lọt tội phạm (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật.

 

 

Văn Minh
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top